Du lịch biển đảo Quảng Ninh: Cơ hội và thách thức

Cập nhật: 20/07/2017
Du lịch biển đảo Quảng Ninh đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng, có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Trong tổng số hơn 8 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Ninh mỗi năm, khoảng 70% khách du lịch tham gia các tour tuyến biển đảo. Điều đó cho thấy, du lịch biển đảo ngày càng khẳng định là một trong những ngành kinh tế biển nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để du lịch biển phát triển bền vững, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, một trong những yếu tố quan trọng đó là bảo vệ cảnh quan, môi trường biển.

Khách du lịch lên tàu ra tuyến đảo Vân Đồn, Cô Tô tại Cảng khách Cái Rồng - Vân Đồn

Khẳng định thế mạnh

Quảng Ninh có 50% diện tích là biển đảo với hơn 2.000 hòn đảo, chiếm 2/3 số đảo của cả nước. Cùng với đó là trên 250km bờ biển đã tạo cho Quảng Ninh có nhiều dải bờ biển, bãi tắm đẹp nổi tiếng cả nước. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để Quảng Ninh phát huy thế mạnh loại hình du lịch biển.

Một trong những điểm nhấn chính của du lịch biển Quảng Ninh mà mỗi du khách đến Quảng Ninh không thể bỏ qua đó là trung tâm du lịch TP Hạ Long, nơi sở hữu Vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Với những giá trị về thẩm mỹ, cảnh quan địa chất, địa mạo, Vịnh Hạ Long luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách tham quan du lịch. Mỗi năm Vịnh Hạ Long đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan. 6 tháng đầu năm nay, Vịnh Hạ Long đón gần 1,9 triệu lượt khách, tăng 41% so với cùng kỳ 2016.

Một thế mạnh nữa của du lịch biển đảo Quảng Ninh không thể không nói đến, đó là huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô. Đây sẽ là hai trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao trong tương lai đang được đầu tư xây dựng. Hai huyện đảo này, ngoài cảnh đẹp nên thơ, còn đang sở hữu rất nhiều bãi biển đẹp, như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn), Vàn Chảy, Hồng Vàn, Thanh Lân, Cô Tô con.v.v.. Bên cạnh đó, các vùng biển của Quảng Ninh còn chứa đựng các di tích lịch sử và danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia và rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Các lễ hội còn lưu giữ được nét văn hoá riêng từng vùng miền, tái hiện được những phong tục, tập quán sinh hoạt của ngư dân vùng biển có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, như: Lễ hội Đình Trà Cổ (TP Móng Cái), Lễ hội Quan Lạn (Vân Đồn) v.v... Điều đáng nói, ở các vùng biển đảo của Quảng Ninh còn có nguồn hải sản vô cùng phong phú, Quảng Ninh nổi tiếng với những món ăn ngon ẩm thực từ hải sản hấp dẫn, như: Tôm, cua, ghẹ, mực, tu hài, hàu biển...

Song song với những thế mạnh trên, du lịch biển đảo Quảng Ninh còn có sức hút đặc biệt đối với du lịch tàu biển quốc tế. Điều này đã được chứng minh rất rõ, thời gian qua rất nhiều hãng tàu biển quốc tế lớn, như Star Cruises, Costa Crociere, Nautica, Seaborn, Legend of the sea và Azmara, Aurora, Sun Princess v.v... đã chọn Hạ Long là điểm đưa khách du lịch đến tham quan. Hàng năm, vào mùa khách du lịch tàu biển quốc tế (từ tháng 10 cho đến tháng 4), Hạ Long lại tấp nập đón những chuyến tàu đưa hàng nghìn khách du lịch quốc tế đến tham quan.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, mời gọi các nhà đầu tư vào các khu du lịch ven biển, Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long và các sản phẩm du lịch tại các khu du lịch biển. Quảng Ninh đã mở rộng phát triển và hình thành các sản phẩm du lịch mới ra các tuyến đảo, như Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long. Nhiều khu du lịch ven biển đã được quy hoạch và đầu tư phát triển. Trong đó, phải kể đến trung tâm du lịch TP Hạ Long đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch, tiêu biểu là Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn này đã triển khai tổ hợp dự án du lịch, giải trí Công viên Đại Dương Hạ Long tại TP Hạ Long với tổng giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều sản phẩm của Tập đoàn Sun Group đã hoàn thiện đưa vào hoạt động thu hút đông đảo du khách.

Cùng với trung tâm du lịch biển Hạ Long, Quảng Ninh đã mở rộng phát triển và hình thành các sản phẩm du lịch mới ra các tuyến đảo, như Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long. Trong đó ưu tiên xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ biển cao cấp và độc đáo. Đặc biệt, tại huyện đảo Vân Đồn, khi sân bay, hệ thống cảng tàu, các khu du lịch giải trí phức hợp có casino... được hoàn thiện, sẽ góp phần đưa du lịch Quảng Ninh nói chung, du lịch biển nói riêng thực sự trở thành một điểm đến có đẳng cấp trong khu vực và quốc tế.

Khách du lịch trải nghiệm tham quan Vịnh Hạ Long bằng đò chèo tay tại khu vực Vung Viêng. Ảnh: Khánh Giang

Còn nhiều thách thức

Du lịch biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Quảng Ninh. Trong quá trình phát triển, du lịch biển hiện đang đứng trước nhiều vấn đề về môi trường, như sự suy giảm các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học, ô nhiễm nước biển... Tuy nhiên, du lịch biển cũng đã có những tác động đáng kể đến môi trường biển do lượng chất thải từ hoạt động du lịch ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các trọng điểm du lịch. Những vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến phát triển du lịch biển bền vững.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Quảng Ninh đã nỗ lực tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng về quản lý và bảo vệ tài nguyên biển phát triển bền vững, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm đến môi trường biển. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Vịnh Hạ Long, như di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than trên Vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hoá rời (dăm gỗ, đá các loại...) trên Vịnh Hạ Long. Trong đó phải kể đến việc thực hiện di dời và quy hoạch các điểm cư dân làng chài trên Vịnh và hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường biển như xử lý nước thải la - canh trên các tàu du lịch, tổ chức thu gom rác thải bảo vệ môi trường sinh thái trên Vịnh Hạ Long...

Bằng các giải pháp thiết thực, thời gian qua môi trường du lịch biển đã được cải thiện, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, ở một số khu du lịch ven biển ở Quảng Ninh, hệ thống, cống rãnh thoát nước thải tại khu dân cư, nhà hàng, khách sạn vẫn còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Các hoạt động của dịch vụ du lịch trên bờ biển chưa được quản lý chặt chẽ. Đặc biệt là vào mùa hè, các dịp nghỉ lễ cuối tuần, khi lượng khách du lịch tăng cao, ở một số khu du lịch vẫn còn tình trạng rác thải của các loại hình dịch vụ trên bờ biển được vứt một cách bừa bãi, chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu du lịch. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, hình ảnh các khu du lịch ven biển.

Thêm nữa, du lịch là một ngành nhạy cảm với những biến đổi về môi trường và khí hậu, luôn phải đối diện với nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu. Thế nhưng việc ứng phó và tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu chưa thực sự hiệu quả, ngay cả khi đó là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động du lịch. Đặc biệt, các tuyến đảo như Quan Lạn, Minh Châu (Vân Đồn), Cô Tô... mọi hoạt động phát triển du lịch ở đây phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định du lịch biển đảo chiếm vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp không khói của địa phương. Do đó, để du lịch biển đảo phát triển bền vững cần phải có những giải pháp giữ gìn, bảo vệ tài nguyên môi trường. Bởi lẽ, sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường, du lịch phát triển chỉ khi môi trường được bảo vệ. Môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hoà, đặc sắc sẽ tạo nên những sự khác biệt và thu hút du khách đến tham quan.

Thu Nguyên

Nguồn: Báo Quảng Ninh