Loay hoay giữ "lửa" cho nghệ thuật truyền thống: Kéo khán giả tới rạp thế nào?

Cập nhật: 22/08/2017
Việc làm thế nào để kéo khán giả tới rạp luôn là câu hỏi rất khó đối với lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Hơn nữa, trong bối cảnh hầu hết các đơn vị nghệ thuật phải tự chủ tài chính như hiện nay, khán giả trở thành vấn đề sống còn.

Phải tự thân vận động

Tình hình đời sống nghệ thuật khó khăn không chỉ khiến các nghệ sỹ phải tay năm tay mười, chân ngoài chân trong lăn lộn kiếm sống mà ngay cả lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng phải vò đầu bứt tai trong chuyện tìm khán giả. Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Quang Hùng, Giám đốc nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Một năm chúng tôi dựng được khoảng 3 vở mới. Bên cạnh đó, trung bình 1 tháng chúng tôi diễn được khoảng 20 buổi (bằng việc tự tổ chức nhiều kênh khác nhau để biểu diễn). Thế nhưng có một thực tế, dù ngân sách cấp cho việc dựng vở, diễn vở tương đối đảm bảo nhưng nhiều đoàn dựng xong, diễn không ai xem. Như thế thì đoàn đó coi như là chết”.

Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như xẩm chợ, ca trù ... đều phải tự lo kinh phí hoạt động
Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như xẩm chợ, ca trù ... đều phải tự lo kinh phí hoạt động

Vì thế việc tìm được sô diễn, tìm được khán giả trở thành vấn đề sống còn với nhiều đơn vị nghệ thuật. Ông Bùi Xuân Tiến, nguyên Giám đốc nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, các nhà hát giờ đây phải tự cứu lấy mình chứ không thể ngồi đấy mà chờ đợi khán giả tới rạp. “Khi vở Cung phi điểm bích (của nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai) đạt giải nhất của hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam thì nó chỉ được công diễn một số buổi tại rạp Hồng Hà, Nhà hát Lớn. Thế nhưng vở đã được diễn hàng trăm buổi tại các sân khấu ngoài trời của Đông Anh, Khương Đình, Sóc Sơn, Gia Lâm, Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Tử ... Điều đó cho thấy, nếu không tự thân vận động, nhiều đoàn sẽ chết vì không có khán giả” – ông Tiến nói.

May mắn hơn bộ môn nghệ thuật cải lương, nghệ thuật múa rối có vẻ khá khẩm hơn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam cho hay: “Hiện nay chúng tôi tổ chức được khoảng 60-70 suất diễn/ tháng. So với những đoàn nghệ thuật khác thì đây quả là con số đáng vui mừng. Chúng tôi cũng may mắn khi được các công ty du lịch chủ động tìm đến (vì chủ yếu dẫn khách nước ngoài tới xem múa rối nước) nên lượng khán giả khá đông. Bên cạnh đó, nhờ chiến lược phát triển đúng đắn bộ môn rối cạn nên người xem ngày càng tăng lên. Nhờ vậy mà đời sống anh chị em nghệ sỹ không quá khó khăn như những bộ môn nghệ thuật khác”.

Trong khi đó nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam cho biết: “Trung tâm chúng tôi hoạt động độc lập, không dựa vào ngân sách, lại chuyên về nghệ thuật truyền thống nên khó khăn chắc ai cũng hiểu. Trong hơn chục năm tồn tại và phát triển, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tạo ra những buổi diễn thường kỳ như: sân khấu hát xẩm ở chợ Đồng Xuân, ở cầu Long Biên ... Ngoài ra còn liên kết với các đình, chùa, các hộ gia đình... Nhìn chung, chúng tôi tìm mọi cách để các bộ môn nghệ thuật như: xẩm, ca trù, chầu văn... có thể tiếp cận được với công chúng, để họ thấy rằng nghệ thuật truyền thống rất hay, rất tuyệt vời. Và cũng rất may mắn trong vài năm trở lại đây, lượng khán giả đã đông lên. Do đó đời sống nghệ sỹ ở trung tâm cũng phần nào được cải thiện”.

Nghệ thuật ca trù vốn rất kén khán giả
Bộn môn nghệ thuật ca trù vốn rất kén khán giả

Vẫn cần một cơ chế riêng

Rõ ràng, xu hướng xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật vốn được nhà nước bao cấp trước đây là một việc làm phù hợp với thực tiễn hiện nay. Các đơn vị nghệ thuật không thể mãi trông chờ vào “bầu vú ngân sách” để có thể duy trì hoạt động của mình. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu, chúng ta vẫn cần có những cơ chế đặc thù cho những bộ môn nghệ thuật đặc thù.

Trao đổi với phóng viên, NSND Trần Bình, Giám đốc nhà hát Đương đại Việt Nam cho biết: “Nhà hát chúng tôi tự chủ tài chính gần chục năm nay. Việc tự chủ có những ưu điểm rất lớn. Thứ nhất nó đòi hỏi bản thân chúng ta phải tự vận động để tồn tại. Mà muốn tồn tại được thì không gì khác hơn là phải nâng cao chất lượng diễn viên, chất lượng vở diễn và tự tìm nguồn đầu tư ... Thứ hai, do cơ chế tự chủ nên bản thân chúng ta cũng sẽ tự chủ trong mọi việc nên khả năng đào thải những yếu tố không phù hợp sẽ cao hơn. Tuy nhiên tôi cho rằng, đối với những ngành nghệ thuật truyền thống kén khán giả thì cần phải có cơ chế riêng. Làm sao để vừa có thể bảo tồn được những vốn quý của cha ông mà vừa đảm bảo đời sống cho anh em nghệ sỹ. Không nên cào bằng mọi loại hình nghệ thuật với nhau”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam

 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng: “Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khi tiến hành tự chủ sẽ không bị ngợp với cơ chế thị trường. Tôi lấy ví dụ nhà hát Múa rối Việt Nam chẳng hạn. Chúng tôi không chỉ có mỗi nhiệm vụ là tìm mọi cách kiếm tiền mà song song với đó là bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật múa rối của cha ông. Nếu tự chủ thì chúng tôi muốn cơ sở vật chất tốt hơn nữa để có thể vừa đảm bảo yêu cầu bảo tồn, vừa đảm bảo yêu cầu kiếm tiền. Với những đơn vị mà cơ sở vật chất yếu kém thì việc tự chủ quả thật rất khó khăn”.

Xung quanh cách làm như thế nào vừa để kéo khán giả tới rạp, vừa có thể duy trì “lửa” cho nghệ thuật truyền thống, nhạc sỹ Thao Giang hiến kế: “Tôi từng tham dự những hội thảo về âm nhạc dân tộc ở nước ngoài. Những đồng nghiệp nước bạn khi biết tôi tự bỏ tiền túi ra để đi dự hội thảo thì họ rất ngạc nhiên. Bởi bên nước họ, nhà nước tuy không bỏ tiền ra bảo trợ nhưng lại có các doanh nghiệp. Đó mới là những vị Mạnh Thường Quân thực sự. Tất nhiên muốn họ làm Mạnh Thường Quân thì bản thân nhà nước phải tạo điều kiện cho họ. Chẳng hạn nếu anh chấp nhận bảo trợ bộ môn nghệ thuật này thì nhà nước sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nào đó để anh hoạt động kinh doanh. Như vậy doanh nghiệp được lợi, các bộ môn nghệ thuật truyền thống được lợi và nhà nước, về đại cục cũng được lợi. Tôi cho rằng đây là cách làm rất hay và chúng ta nên tham khảo, học hỏi”.

Phạm Văn

Nguồn: TNMT