Triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu khu vực miền Bắc

Cập nhật: 30/08/2017
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội nghị khu vực miền Bắc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đồng chủ trì có ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Bà Jenty Kirsch-Wood, thay mặt cho Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam và ông Jóc-Ruy-Gờ, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, để thực hiện các cam kết quốc tế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg, đồng thời, chủ động lồng ghép các vấn đề ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Bộ TN&MT có vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, các tổ chức quốc tế nghiên cứu tập hợp các mô hình và tiếp cận mới trong ứng phó với BĐKH để chia sẻ, phổ biến, áp dụng rộng rãi các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ban chủ trì Hội nghị

Thống kê của Bộ TN&MT, trong số 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, hiện duy nhất tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cấp tỉnh triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris. Bởi vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh các đại phương cần nhanh chóng hoàn thiên bản kế hoạch này tỏng năm nay.

Khu vực Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, đại diện là Thủ đô Hà Nội, đang phải đối mặt với sự gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu như mưa lớn bất thường, nắng nóng kéo dài và tăng các cơn bão mạnh đến rất mạnh. Nếu nước biển dâng 100 cm tại khu vực này, Nam Định và Thái Bình là 2 tỉnh ngập nặng nhất với hơn 50% diện tích bị ngập.

Theo ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Thủ đô đang trong quá trình đô thị hóa nhanh và ngày càng trở nên nhạy cảm với các tác động của BĐKH. Phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa tính đến các giải pháp ứng phó BĐKH. Công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về BĐKH còn nhiều hạn chế… Ngoài ra, trên địa bàn có 17 khu công nghệ lớn, 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe máy, gần 700 nghìn ô tô. Sản lượng tiêu thụ điện khoảng 38 triệu kWh và hàng triệu lít xăng đầu. Đây là các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, tuy vậy, các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đây là những vấn đề đang được xem xét đưa vào kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của thành phố trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), công tác quản lý Nhà nước về BĐKH ở cấp địa phương trong thời gian tới cần bám sát chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương, tập trung ưu tiên chủ động ứng phó được nêu trong Chiến lược quốc gia về BĐKH. Tăng cường điều phối, lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch cấp địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chí xác định dự án, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH cho phù hợp hoàn cảnh thực tế, lựa chọn những mô hình, dự án đem lại hiệu quả cao và có đủ tính khả thi để triển khai nhân rộng.

Hiện, Bộ TN&MT đang chủ trì cập nhật INDC ở các cấp, các ngành. Vai trò của các Bộ, ngành địa phương là cung cấp thông tin về thích ứng và nỗ lực giảm nhẹ, tăng trưởng xanh đang và sẽ được triển khai tại địa phương. Đồng thời, nêu ý kiến đống góp để NDC là khả thi và phù hợp với các kế hoạch tại địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường và một số Sở của các tỉnh miền Bắc; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO), các viện nghiên cứu đại diện các đối tác phát triển đã tập trung trao đổi, thảo luận các thông tin cập nhật về BĐKH, những tác động đến các tỉnh miền Bắc và Đồng bằng sông Hồng, cũng như công tác triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris sắp tới tại các địa phương.

Đại diện các đối tác quốc tế đến từ UNDP và GIZ đều khẳng định sẽ hỗ trợ hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác với khu vực tư nhân nhằm triển khai những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ông Jóc-Ruy-Gờ, Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ: “Chính phủ Đức đánh giá cao cam kết của Việt Nam đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giảm nhẹ khí nhà kính thông qua quá trình cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và các dự án khác”. 

Khánh Ly

Nguồn: Báo TNMT