“Ngôi nhà sinh thái” của người Nhật trên đất Hội An

Cập nhật: 01/09/2017
Đã sống và trải nghiệm qua rất nhiều đất nước khác nhau, từng sống ở các thành phố của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nên lý do khiến bà Usuda Reiko (nguyên Tổng thư ký Hội hữu nghị Nhật-Việt của TP Kawasaki-Nhật Bản) quyết định chọn sống ở Hội An là vì theo bà, chỉ có ở Hội An, bà mới cảm thấy như ở chính quê hương mình.

Một góc U café

Quán Hội An - U café của bà Reiko ở Hội An được nhiều bạn bè Nhật Bản, du khách biết đến là “ngôi nhà xanh”, “ngôi nhà sinh thái”. Kiến trúc ngôi nhà tương tự những ngôi nhà ở vùng quê này với nguyên liệu chính là gạch, gỗ, tre. Nhưng thiết kế bên trong theo xu hướng kiến trúc xanh hiện đại, thích hợp với việc ứng phó biến đổi khí hậu, thân thiện với thiên nhiên, hạn chế chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý nhất là hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải. Toàn bộ nước thải sinh hoạt và vệ sinh thu vào bể chứa đặt tưới tầng 1. Nước thải xử lý xong được bơm ngược lên mái và cấp vào các bể cá, thả sen nước trên mái tầng 2, tầng 3.

Bà Reiko nhớ lại, ngày mới đến Hội An, trước nhà bà có một chiếc thuyền, mỗi sáng, rác thải ùn tấp vào đáy thuyền. Bà thu gom, đem vào nhà để xử lý. Ngay trong nhà, bà thiết kế một hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng phương pháp vi sinh để tái sử dụng. Và ở Hội An, người ta dần quen với hình ảnh người phụ nữ Nhật nhỏ bé, cặm cụi vớt rác trên sông ở khu vực trước nhà mỗi sáng. Ban đầu, người ta lạ lẫm. Nhưng rồi, dần dần, những người dân quanh khu vực quen, hiểu và cùng chung tay với bà. Thay vì tùy tiện vứt rác xuống sông, xả nước thải thẳng ra sông, người dân đã hình thành thói quen phân loại rác, hạn chế vứt rác xuống sông. Đi thuyền trên sông, thấy rác, thay vì lấy chèo đẩy ra xa, người ta đã biết cúi xuống, vớt lên để đem về bờ xử lý. Những hành động nhỏ ấy đã góp phần cho một Hội An - thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải tại U café

Điều đáng trân quý, là U café của Reiko được mở ra với mục đích góp phần vào công tác từ thiện, xã hội, giúp đỡ tạo việc làm cho những phụ nữ, các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đến bây giờ, nếu tính toán lời lãi trong kinh doanh quán café, thì với bà, cái lãi lớn nhất chính là được sống tại vùng đất mà bà yêu quý và kết nối, hỗ trợ, san sẻ cho những người khó khăn hơn. Trong thời gian còn làm Tổng thư ký Hội hữu nghị Nhật - Việt của TP Kawasaki, bà đã có nhiều cơ hội đến miền Trung, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn nên bà luôn mong ước có điều kiện sẽ giúp đỡ thêm.

Chính từ ước nguyện ấy, mà khi đến Hội An, bà đã bắt tay vào thực hiện và kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè, các tổ chức phi chính phỉ để cùng triển khai những dự án như xử lý môi trường, dạy nghề, dạy kỹ năng ứng xử, dạy tiếng Nhật cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ các bạn nhỏ mồ côi, trẻ em đường phố,… Kêu gọi các tổ chức, cá nhân Nhật Bản hỗ trợ xe đạp, thiết bị văn phòng giúp trẻ em nghèo, vùng xa tại hàng chục trường học ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Bên cạnh đó bà còn hỗ trợ cho các bạn trẻ nghiên cứu sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường, cùng khởi nghiệp với những sản phẩm như xanh-sạch-thân thiện môi trường và giới thiệu qua thị trường Nhật Bản.

Quán như ngôi nhà để giúp các trẻ em nghèo được học nghề, ngôn ngữ và có việc làm ổn định. Thời gian rảnh rỗi, bà lại tham gia các chương trình từ thiện như hỗ trợ bán sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ miền núi Quảng Nam tại Nhật; chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi tại chùa; mở các lớp dạy vẽ tranh cho thiếu nhi Hội An,… Tất cả những việc ấy được người phụ nữ Nhật làm với tinh thần tự nguyện và theo lời bà, là vì, bà trót yêu Hội An. Đã yêu, thì bất cứ điều gì làm cũng xuất phát từ trái tim. 

Khánh Chi

Nguồn: Báo Văn hóa