Trăn trở Tử Nê

Cập nhật: 02/09/2017
Vừa qua, chúng tôi đã có dịp theo chân các cán bộ của Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Khách quốc tế khám phá bản làng ở Tử Nê

 

Ghé thăm xóm Cú, tham quan gia đình bác Bùi Văn Ành, 61 tuổi. Chúng tôi trò chuyện dưới căn nhà sàn khang trang do CECAD và Công ty Du lịch HG Travel – đơn vị đồng tài trợ cho xóm Cú, xã Tử Nê. Bác chia sẻ: Từ năm 2012, bác được chọn để trông nom căn nhà sàn và kết hợp khai thác để làm du lịch cộng đồng cùng bà con trong xã. Hai bác được nhận nhiệm vụ trông nom, cai quản và khai thác căn nhà này, không hề phải mất bất cứ chi phí nào, đón được bao nhiêu khách thì phục vụ và hưởng bấy nhiêu. Ngoài những công trình do các tổ chức phi chính phủ như CECAD tài trợ cho huyện, xã, cũng có một số gia đình tự bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà sàn để khai thác du lịch nhưng chỉ đủ điều kiện xây dựng nhà bê tông vì không đủ kinh phí. Những căn nhà sàn bằng gỗ đẹp và khang trang như thế này quá đắt so với điều kiện của các hộ dân trong vùng.

Theo bác Ành, trung bình mỗi năm bác đón khoảng 20 – 25 đoàn khách nhưng chủ yếu là khách nước ngoài. Đoàn ít thì 2 – 3 khách, đông thì lên tới 25 khách; thu nhập gia đình còn khá khiêm tốn, trung bình khoảng 500 nghìn đồng/tháng/1 người. Được biết CECAD đã tài trợ 2 căn nhà sàn khang trang như vậy cho bà con xóm Cú xã Tử Nê và xóm Tam, xã Thanh Hối thuộc huyện Tân Lạc dùng để phục vụ sinh hoạt văn hóa và khai thác du lịch cộng đồng.

Qua tìm hiểu một số gia đình khác, chúng tôi nhận thấy có một thực tế  là ngoài những  cơ sở hạ tầng còn chưa thực sự đồng bộ thì vấn đề vệ sinh trong các căn nhà mô hình homestay vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Từ chăn, gối, đồ dùng cá nhân cho tới nhà vệ sinh chưa thực sự sạch sẽ, nền nhà còn khá bụi bặm chưa kể tới việc vườn để cỏ dại mọc hoang hoải khá nhiều. Dường như việc đầu tư, tái tạo và chăm sóc cảnh quan, vệ sinh cần thiết cho các khu nhà còn khá nhiều bất cập. Có thể thấy, hiện nay việc trích quỹ để sử dụng vào việc tái đầu tư cho các công trình tài trợ còn đang bị bỏ ngỏ. Việc giám sát, đào tạo mô hình du lịch cộng đồng chưa thực sự triệt để. Hình thức làm du lịch cộng đồng ở đây hoàn toàn mang tính tự phát, làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu chứ chưa có một kế hoạch bài bản, định hướng lâu dài để hướng cho du khách cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa. Rõ ràng, ở đây cần sự hỗ trợ, vào cuộc của các cơ quan chức năng chuyên ngành du lịch bên cạnh các Mạnh Thường Quân.

Những bộ Cồng như thế này thường thấy ở những gia đình dân tộc Mường

 

Đây cũng là điều mà trung tâm CECAD đang trăn trở, nỗ lực hướng tới. Anh Phạm Anh Dũng - cán bộ của CECAD tâm sự: “Mục đích của chúng tôi là hướng tới một cộng đồng xanh sạch với những cách làm nông nghiệp truyền thống, không quá lệ thuộc vào công nghệ hóa chất. Chúng tôi muốn không chỉ khách du lịch mà chính những người nông dân nơi đây cũng phải ý thức được việc bảo vệ môi trường, tài nguyên là trách nhiệm của cả cộng đồng. Hiện nay, CECAD đang rất nỗ lực kết hợp cùng bà con trong vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu phát triển mô hình du lịch sinh thái, gắn kết cộng đồng”.

Tân Lạc – Hòa Bình có nhiều cảnh đẹp: động Hoa Tiên, hang Bưng, động Thác Bờ, cây đa trăm tuổi… cùng nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường là những điều kiện tốt để phát triển du lịch, và cùng với đó là tiềm năng du lịch cộng đồng cần thiết được khai thác để thu hút nhiều du khách  trải nghiệm, khám phá. 

Bài, ảnh: Phương Nam

Nguồn: Báo Du lịch