Nghĩa Lộ: Tháo gỡ khó khăn cho du lịch cộng đồng

Cập nhật: 13/09/2017
Với hơn 20 hộ làm du lịch cộng đồng đóng góp vào ngân sách đạt 13,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định bình quân từ 2,5 -7 triệu đồng/tháng, du lịch cộng đồng Nghĩa Lộ là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, những hộ làm du lịch cộng đồng cũng gặp những khó khăn về cơ chế chính sách.

Bà Hoàng Thị Loan, ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi hướng dẫn khách quốc tế làm món nem rán

 

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã đón và phục vụ gần 30.000 lượt khách du lịch, trong đó  khách quốc tế chủ yếu đến từ Anh và Pháp đạt gần 3.000 lượt người. Nhưng cũng từ thực tế, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ gặp không ít khó khăn từ nguồn nhân lực có chuyên môn, hiểu biết về lĩnh vực du lịch đến một số bản sắc văn hóa truyền thống đang dần dần bị mai một như: Kiến trúc nhà ở, trang phục, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, vật dụng gia đình, nghề truyền thống... Đặc biệt, hầu hết các thôn, bản phát triển du lịch cộng đồng còn nhiều khó khăn, nên người dân không đủ vốn để đầu tư xây dựng phòng đạt chuẩn cho khách thuê. Trong khi đó, địa phương cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân vay vốn với lãi suất thấp hoặc khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Vân, Trưởng phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết, đứng trước vấn đề này, thị xã  đang nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách du lịch cộng đồng. UBND thị xã Nghĩa Lộ cũng đã tổ chức hội nghị để cùng trao đổi với các  doanh nhân về những kinh nghiệm, cách đi đúng về xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều mô hình du lịch ở Yên Bái cũng được nêu lên để bà con học tập như mô hình ngắm ruộng bậc thang Mù Căng Chải, chè Shan Tuyết Suối Giàng, … cùng với những nét đặc sắc về văn hóa như nghệ thuật xòe Thái, Hạn Khuống, lễ hội Lồng Tông, các sản vật đặc trưng thịt trâu gác bếp, cá sỉnh nướng, rêu đá, nộm rau ban…

Bà Hoàng Thị Vân cũng cho biết, những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp, cơ sở, sản xuất kinh doanh, đang gặp phải đang được thị xã tập trung giải quyết. Trước mắt, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức lớp học thứ hai cho người Pháp làm du lịch với sự tham gia của gần 30 học viên là cán bộ công chức, viên chức, các hộ làm du lịch cộng đồng, kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn và người dân yêu thích tiếng Pháp trên địa bàn. Việc tổ chức các lớp học người Pháp làm du lịch đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng của thị xã Nghĩa Lộ. Từ đó, giúp thị xã thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ văn hóa -  du lịch giai đoạn 2003 – 2020.

Có thể khẳng định, du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển. Ngoài ra, những địa phương có thể phát triển được loại hình du lịch cộng đồng cũng cần có chính sách dành riêng cho loại hình du lịch này, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, giúp cơ sở đào tạo nhân lực. Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đã và đang từng bước tháo gỡ những nút thắt này và hy vọng rằng đây sẽ là động lực để du lịch cộng đồng ở thị xã Nghĩa Lộ phát triển.

Nguyễn Nhật Thanh (Đài TT-TH thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái)