Cộng đồng dân tộc Thái thích ứng với môi trường hướng tới sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Cập nhật: 14/09/2017
Người Thái tập trung cư trú trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, với phạm vi không gian trải rộng trên 300 km. Tuy nhiên, người Thái có đặc điểm chung trong lựa chọn không gian sinh tồn, canh tác và thể hiện bản sắc cộng đồng trước các thách thức về môi trường. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu Đề xuất giải pháp phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc nhằm đánh giá toàn diện quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên (đất, nước, rừng và môi trường cư trú) làm căn cứ khoa học và thực tiễn, phục vụ chính sách quy hoạch và phát triển bền vững trước các thách thức liên quan đến tai biến thiên tai trên vùng Tây Bắc.

“Bó nước” là phương thức giữ nước vào mùa khô của cộng đồng Thái Tây Bắc

 

Thích ứng với môi trường tự nhiên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), Tây Bắc là khu vực được dự báo sẽ có nhiều đợt hạn hán kéo dài. Do đó, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt và canh tác trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu. Người Thái thường lựa chọn nơi cư trú gần với các nguồn nước (sông, suối, khe, mó nước) và tận dụng lợi thế địa hình để đắp đê trên các suối nhỏ nhằm giữ nước phục vụ canh tác. Ngoài ra, họ còn khai thác và sử dụng nguồn nước tự nhiên dẫn từ các khe suối về đồng lúa, đồng thời có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các "bó nước" (mạch nước ngầm) ngay giữa cánh đồng để giữ nước vào mùa khô. Bên cạnh đó, họ còn áp dụng hiệu quả kỹ thuật canh tác trên đất dốc với việc trồng xen canh, luân canh các loại cây để giữ ẩm, cải tạo đất. Việc nhân rộng mô hình canh tác trên đất dốc có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng người Thái.

So với các dân tộc khác ở Tây Bắc, người Thái còn giữ được nhiều loại rừng, trong đó rừng thiêng (rừng cộng đồng) là đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái. Các bản người Thái đều xây dựng quy ước bảo vệ rừng với sự đồng thuận cao của cộng đồng. Bên cạnh đó, họ còn hình thành hệ thống tri thức dân gian, tín ngưỡng, lễ hội gắn với các khu rừng thiêng. Trong những năm gần đây, khi có chính sách phát triển rừng, người Thái còn áp dụng hiệu quả phương thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân và thu hút người dân tham gia bảo vệ rừng. Để nâng cao độ che phủ của rừng, cộng đồng bổ sung các loại cây bản địa cho các khu đất trống, đồi núi trọc do hoang hóa. Điều này mang lại lợi ích lớn trong việc phục hồi rừng, bởi các cây bản địa vốn đã thích ứng tốt với điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực.

Mô hình đồng quản lý rừng có sự tham gia của các bên liên quan như chính quyền, cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức nghiên cứu nhằm bảo vệ tài nguyên rừng tại các khu rừng thiêng, rừng phòng hộ có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ rừng nói riêng và BVMT nói chung. Theo đó, chính quyền giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình, tạo cơ sở pháp lý cho người dân sở hữu đất và rừng, gắn kết họ với việc khoanh nuôi bảo vệ rừng và hưởng lợi từ rừng. Có như vậy, rừng sẽ được bảo vệ, môi trường sinh thái sẽ được đảm bảo và sinh kế của cộng đồng các dân tộc người Thái sẽ được cải thiện.

Cánh đồng lúa tại thung lũng - hệ sinh thái nông nghiệp điển hình Tây Bắc

 

Môi trường nơi cư trú được đảm bảo

Các bản làng của cộng đồng dân tộc Thái ở Tây Bắc được bố trí hài hòa với hệ sinh thái thung lũng, đó là các bản làng dựa lưng vào chân núi, đồi và nhìn ra cánh đồng với các con suối nhỏ. Tại các bản làng, các gia đình thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà; đường làng, ngõ xóm trồng nhiều loại cây gỗ quý và cây ăn quả để tạo không gian xanh cho bản làng. Với hệ thống cây xanh lâu năm sẽ làm giảm các tai biến của thiên tai như lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá, xương muối, rét đậm, rét hại.

Như vậy, thích ứng với môi trường nơi cư trú ở cộng đồng dân tộc Thái là bài học quý để duy trì tính bền vững của không gian xanh, ứng phó với các tai biến thiên tai ở khu vực miền núi Tây Bắc, đảm bảo sức khỏe cho con người và phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Do vậy, trong quá trình lựa chọn địa hình, đất đai quy hoạch thành các khu dân cư, khu tái định cư thủy điện, các khu định cư, quy hoạch đô thị miền núi tại Tây Bắc cần hài hòa với môi trường và hệ sinh thái.

Hướng tới phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Hiện nay, trước yêu cầu quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh cây lương thực (lúa, ngô, sắn), công nghiệp (cà phê), cây thuốc và dược liệu, cây ăn quả và cây đặc sản, các tỉnh Tây Bắc cần có phương án tối ưu trong quy hoạch để phát triển lợi thế về môi trường tự nhiên, phát triển thành các vùng chuyên canh sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu và giá trị cao trên thị trường khu vực và quốc tế, gắn với các chỉ dẫn địa lý môi trường, khí hậu, địa hình, đất đai đặc trưng của cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam.

Nhân tố giữ vị trí quan trọng hình thành bản sắc chung của cộng đồng dân tộc Thái chính là hệ thống tri thức dân gian (kiến thức bản địa) trong quá trình canh tác lúa nước, canh tác nương rẫy trên đất dốc, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước... Do vậy, các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Bắc nên dựa vào đặc điểm tâm lý tộc người, phong tục tập quán cư trú, canh tác để đề xuất các biện pháp phù hợp. Đồng thời, kết hợp hài hòa tri thức dân gian với khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong phát triển sinh kế, phát triển kinh tế, xã hội, BVMT theo hướng bền vững.

Kết hợp các giải pháp phát triển sinh kế thích ứng với BĐKH dựa trên nền tảng duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn đặc thù Tây Bắc. Điều này sẽ nâng cao năng lực của cộng đồng Tây Bắc trước các thách thức môi trường do tai biến tự nhiên và BĐKH gây ra. Do vậy, rất cần sự quan tâm hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài khu vực Tây Bắc.

ThS. Đỗ Xuân Đức (Trường Cao đẳng Sơn La)

ThS.Vũ Thị Nự  (Trường Đại học Tây Bắc)

Nguồn: Tạp chí Môi trường số 8/2017