Nâng cấp lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ hướng đi đúng trong bảo tồn và phát huy Di sản

Cập nhật: 04/10/2017
Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian ở TP Hồ Chí Minh còn được lưu giữ và bảo tồn đến ngày nay. Nhằm thu hút du khách và bảo vệ lễ hội dân gian truyền thống, từ năm 2017 lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ sẽ được TP Hồ Chí Minh tổ chức quy mô cấp thành phố.

Nét văn hóa truyền thống độc đáo của ngư dân vùng ven biển

Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng 8 Âm lịch, Ngư dân Cần Giờ lại náo nức với Lễ hội Nghinh Ông. Theo dân gian truyền miệng, đức tin của những người con xứ biển luôn hướng về hai hình tượng tâm linh lớn nhất là Mẹ Quan Âm Nam Hải và Đức Ngài Cá Ông. Dù là ngư dân kéo lưới thả chài ở đâu đi chăng nữa, ai cũng tâm niệm khi đi biển gặp sóng to gió lớn, nếu cầu xin Ðức Ngài hiển linh thì Ðức Ngài sẽ hiện lên trong xác của một cá Voi khổng lồ hộ tống tàu bè cập bến an toàn. 

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ - Nét văn hóa độc đáo  của ngư dân vùng ven biển Cần Giờ

Chính vì sự lưu truyền đó mà cá Ông hay cá Voi là một linh vật, một vị thần phù trợ hết sức linh thiêng đối với người đi biển. Mỗi khi cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được những ngư dân tổ chức an táng thật trang trọng và tổ chức thờ cúng. Từ truyền miệng, niềm tin này lớn dần và trở thành tín ngưỡng phổ biến của ngư dân, cầu mưa thuận gió hòa, cầu quốc thái dân an, đặc biệt cầu mong sự an toàn cho những người đi biển…

Lễ hội sẽ được chia thành ba phần chính: lễ rước Ông từ biển, tàu thực hiện; lễ rước kiệu và diễu hành đưa Ông về Lăng và nghi lễ xây chầu đại bội tại Lăng. Phần lễ rước Nghinh Ông từ biển, gọi là đám rước “Sắc phong Thần Ðức Ông Nam Hải”, gồm một tàu chính được trang trí hoa, cờ phướn và khoảng 200 ghe, tàu sẽ thực hiện nghi thức trực tiếp ở ngoài biển. Theo đó, những người ở trên tàu chính sẽ phải mặc đúng nghi lễ, quân binh từ thời Gia Long, còn số tàu còn lại tháp tùng thì được tự ý trang hoàng cờ, phướn rực rỡ để đón chào Ngài.

Theo tục, binh lính sẽ cung nghinh kiệu Đức Ông Nam Hải cùng các sắc phong lên tàu chính. Tàu chính sẽ dẫn đầu đoàn tàu ra biển qua hướng Vũng Tàu. Sau khi chạy một vòng ra biển và khấn vái xong, đoàn lễ sẽ quay trở về bến Cần Giờ để chuyển sang phần tiếp theo của Lễ: rước kiệu và diễu hành đưa Ông về Lăng.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của ngư dân huyện Cần Giờ. Các nghi thức, nghi lễ cùng những hoạt động diễn ra trong lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, nhằm tạ ơn Thần Nam Hải (cá Voi) và Thần biển đã che chở, hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, sản xuất. Lễ hội cũng là lễ cầu mong sự bình an khi ra biển, cầu mong một mùa bội thu, đây còn là dịp để các ngư dân tạ ơn những người đã chế tạo ra phương tiện và ngư cụ sản xuất…

Năm 2013, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là vinh dự lớn đối với huyện Cần Giờ và thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó khẳng định nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của Lễ hội, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và ngư dân huyện Cần Giờ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2017 

Để góp phần thu hút du khách đến với huyện Cần Giờ và bảo vệ lễ hội truyền thống, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố đã giao Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với UBND huyện Cần Giờ phối hợp tổ chức với quy mô cấp thành phố.

Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ 2017 sẽ diễn ra tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ trong 3 ngày, từ 3 đến 5/10 (ngày 14, 15, 16 tháng Tám âm lịch). Năm nay, Ban tổ chức dự kiến đón khoảng 100.000 du khách đến huyện Cần Giờ tham dự lễ hội.

Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ 2017 được tổ chức gắn với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thục thể thao, trò chơi dân gian, vui chơi giải trí lành mạnh. Trong đó có khoảng 20 hoạt động như lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ rừng Sác - Cần Giờ; chương trình khai mạc lễ hội, lễ cúng tiền hiền - hậu hiền bạn cũ lái xưa; lễ mừng công ngư dân Cần Giờ; tổ chức đoàn thuyền hoa đăng, thả đèn biển, bắn pháo hoa nghệ thuật.

Đặc biệt, phần được du khách chờ đợi nhất chính là nghi lễ Nghinh Ông trên biển và đón đoàn Nghinh về Lăng Ông Thủy tướng. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động phục vụ du khách như triển lãm hình ảnh, tổ chức khu vực ẩm thực tại tuyến đường Lê Thương, phố ẩm thực biển trên đường khu du lịch 30-4...

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2017

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Võ Trọng Nam cho biết, hướng đến kỷ niệm 40 năm Cần Giờ sáp nhập về TPHCM vào năm 2018 và góp phần tôn vinh giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ (được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2000), bên cạnh hoạt động triển lãm hình ảnh về truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ, lần đầu tiên, tại Khu Du lịch 30/4 (đường Thạnh Thới), Lễ hội tổ chức tái hiện không gian rừng Sác với các tiểu cảnh, hiện vật, hình ảnh giới thiệu các loại động thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ, phục chế các loại hình đánh bắt truyền thống, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt văn hóa của cư dân miền biển Cần Giờ qua các thời kỳ.

Dịp này, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của TP như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc - Rối Phương Nam, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM… đều chuẩn bị các chương trình biểu diễn đặc sắc phục vụ đồng bào và du khách. Ngoài ra, TP cũng huy động các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TPHCM, các nhóm thông tin lưu động của Trung tâm Thông tin - Triển lãm TPHCM, các xe thư viện số lưu động… về Cần Giờ phục vụ nhu cầu lễ hội.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2017 được tổ chức quy mô cấp thành phố.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội cấp thành phố, huyện đã đầu tư nhiều để chỉnh trang, mở rộng các địa điểm tổ chức lễ hội tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tham gia. Huyện cũng phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của TP nhằm chuẩn bị tốt nhất cho lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; có chỉ đạo và thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra chất lượng, giá cả dịch vụ phục vụ du khách; đảm bảo các phương tiện di chuyển; bố trí thêm bãi giữ xe tại các điểm tổ chức lễ hội…

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cũng cho biết, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2016 đã đón khoảng 73.000 lượt khách và với quy mô lễ hội cấp TP năm nay dự kiến sẽ tăng ít nhất 20% lượng khách đến Cần Giờ. Đáp ứng nhu cầu mở rộng lễ hội, Lễ thượng Đại kỳ lễ hội sẽ được tổ chức tại Công viên Cần Thạnh thay vì sân chợ Cần Giờ như trước đây.

Việc nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông – Cần Giờ năm 2017 sẽ góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển; thông qua Lễ hội tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nghề, yêu quê hương, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lan Anh (Ảnh: Internet)

Nguồn: Cinet