Văn hóa du lịch góp phần bảo vệ rừng

Cập nhật: 01/11/2017
Trực tiếp làm“hướng dẫn viên” đưa chúng tôi tham quan các vùng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng đầu nguồn nơi trú ngụ của nhiều chủng, loài động thực vật, chim thú… đặc hữu, quý hiếm ở Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà), ông Lê Văn Hương, Giám đốc của VQG này đã nói một câu khiến tôi cứ hoài suy ngẫm: “Phải bảo vệ rừng bằng văn hóa”…

Rừng với Tây Nguyên

Từ các năm 2014 - 2016, tôi may mắn được tham dự khá nhiều cuộc Hội thảo khoa học“Văn hóa và sự phát triển du lịch Tây Nguyên” do Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức tại Đà Lạt, Phú Yên, Gia Lai. Tại các cuộc hội thảo, người ta bàn nhiều về văn hóa Tây Nguyên, về mối quan hệ giữa rừng với Tây Nguyên và con người Tây Nguyên…Có ý kiến cho rằng, đối với Tây Nguyên, rừng là tài sản; người Tây Nguyên có một mối quan hệ đặc biệt với rừng; giữa “rừng” và “làng”; giữa rừng với văn hóa; và, mối quan hệ hài hòa này ngày càng bị phá vỡ…

VQG Bidoup-Núi Bà nằm trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Lạc Dương, tinh Lâm Đồng; tình trạng xâm hại, khai thác rừng và sản vật rừng trái phép diễn ra hằng ngày. Ban quản lý VQG Bidoup - Núi Bà xác định có 6 thách thức (khai thác rừng, săn bẫy thú, xâm chiến đất rừng, cháy rừng; khai thác lâm sản phụ...) đã và đang là mối đe dọa trực tiếp đến công tác bảo tồn rừng và ĐDSH của VQG này…Vậy bảo vệ rừng, cụ thể VQG Bidoup - Núi Bà bằng cách nào ?...

Du lịch sinh thái ở VQG Bidoup - Núi Bà

 

Bảo vệ rừng bằng văn hóa

Là người rất yêu rừng và gắn bó với núi rừng Tây Nguyên hàng chục năm qua, ông Lê Văn Hương, Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà và cộng sự rất trăn trở: Làm gì vừa khai thác lợi thế tự nhiên phục vụ tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học vừa bảo vệ rừng và ĐDSH vốn quý của VQG này? Hơn 10 năm qua, Giám đốc Hương tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện nhiều đề án phát triển VQG Bidoup - Núi Bà; lập vườn nhân giống, bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm; thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (DLST&GDMT) và Trung tâm DLST nghiên cứu quốc tế Rừng nhiệt đới ...

Theo ông Hương, Phát triển DLST&GDMT gắn với cộng đồng là chủ trương đúng hướng. Hoạt động DLST&GDMT thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích tham gia. Hằng năm, vào dịp hè, lễ, Tết, nhiều đoàn khách tìm đến VQG Bidoup - Núi Bà tham quan, nghiên cứu. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp những thông điệp tuyên truyền giáo dục trực quan như:“Đến với VQG Bidoup-Núi Bà không để lại gì ngoài những dấu chân, không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không giết gì ngoài thời gian” hay: “Nhiều dân tộc bản địa phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên rừng… Khi các nguồn tài nguyên rừng bị mất, họ mất đi nhà cửa, thực phẩm cũng như mất đi một nền văn hóa”

Dựa vào quan niệm của đồng bào các dân tộc bản địa rằng: vạn vật trong đời sống đều có “thần”: thần rừng, thần sông, thần nước…, cán bộ VQG vận động các già làng giáo dục con cháu không được xúc phạm thần linh, ai xâm hại “Thần rừng” sẽ bị Yàng (Trời) bắt tội …

Một hình thức giáo dục bảo vệ rừng (BVR) khác gắn với lợi ích trực tiếp của dân cư sống quanh VQG Bidoup - Núi Bà đang thực hiện đem lại kết quả nhiều mặt; đó là giao khoán BVR cho cộng đồng. Ông Hương cho biết, thông qua Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đệm của tổ chức JICA (Nhật Bản) trong Chương trình dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm đã chi trực tiếp cho người dân trên 25 tỷ đồng. (Trung bình mỗi hộ dân nhận khoán từ 30 - 50 ha rừng, kinh phí chi trả 400.000 đồng/ha). Việc giao khoán chăm sóc, BVR ngoài giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động địa phương, họ còn là lực lượng BVR trực tiếp, hiệu quả nhất. Mục tiêu lớn nhất mà VQG Bidoup - Núi Bà hướng tới là dựa vào nhân dân, tức là dựa vào cộng đồng để giữ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu một cách chặt chẽ và bền vững nhất !

Ông Hương lý giải: Kết hợp giáo dục môi trường với tạo việc làm, tăng thu nhập giúp dân nâng cao mức sống thì nhân dân sẽ không phá rừng, khai thác lâm sản nữa. Ông còn cho biết sắp tới sẽ thành lập bảo tàng “Rừng và văn hóa” và thành lập “Quỹ phát triển cộng đồng” tại VQG này để hỗ trợ nhân dân gắn bó tham gia BVR lâu dài…

Lấy văn hóa để bảo vệ rừng (hay bảo vệ rừng bằng văn hóa) trên cơ sở đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm và đầu tư hiệu quả thiết thực vào cộng đồng, dựa vào cộng đồng của VQG Bidoup - Núi Bà theo chúng tôi là đúng hướng. Song, sự nghiệp này đòi hỏi phải có sự “trợ lực” của cả cộng đồng mới có cách ứng xử văn hóa với rừng và tài nguyên thiên nhiên của đất nước trong tình hình hiện nay…

Thanh Dương Hồng

Nguồn: Báo Du lịch