Người trong cuộc nói về biến tướng của hầu đồng

Cập nhật: 20/11/2017
Những biến tướng của nghi thức hầu đồng được chính những thanh đồng nhìn nhận và đưa ra hướng khắc phục nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của di sản này.

Gần 1 năm sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này vẫn đang được các thanh đồng, người dân gìn giữ, thực hiện. Đặc biệt, tại Hà Nội, trong vài năm qua, Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu được định kỳ tổ chức đã góp phần tạo cơ hội cho các thanh đồng, các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi, khích lệ họ tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của di sản.

Thủ nhang Phủ Dầy Nguyễn Thị Huệ tại Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2017 vừa được tổ chức với sự tham gia của 29 thanh đồng đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành. Liên  hoan lần này đã đề cập đến những đổi mới của diễn xướng hầu đồng trong xã hội đương đại. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Tại liên hoan, nhiều thanh đồng đã chia sẻ với chúng tôi về sự biến tướng của di sản mà lỗi ở chính những thanh đồng không nhận thức đúng về giá trị tốt đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức hầu đồng.

Thủ nhang Dương Ngọc Vũ- Đền Bắc Lệ Vọng linh từ (Chí Linh, Hải Dương) cho biết: Tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt được thế giới vinh danh, không những người dân nước ta mà thế giới biết đến. Tín là tin, ngưỡng là nhìn lên. Nếu nói biến thái của tín ngưỡng thì không có, không thể biến thái được. Ngôi đền này, ngôi đền kia vẫn quy mô vậy, nếu có sửa sang là hoành tráng lên. Có cái khác một chút là nghi thức hầu đồng. Ngày xưa, điều kiện còn khó khăn, kinh tế chưa phát triển, thức ăn còn chả có lấy tiền đâu may áo nên từ nét áo trơn, đến áo chữ thọ, rồi thêu máy, rồi thêu tay, trang phục của các thanh đồng nhờ đó mà đẹp lên. Nhưng cùng với đó là  sự biến tướng. Ví dụ như tay áo búp măng của chầu Bà chỉ ngắn 1 gang tay, nhưng có người để dài hàng thước (mét). Rồi đuôi áo, chỉ mấy chục phân nhưng có người để dài tới 4 mét. Bao nhiêu người phải đứng sau vén (nói xin lỗi như cô dâu). Cách tân nữa là áo cô Chín, áo cô Bơ tựa như áo tân thời (áo dài). Cô Chín, cô Bơ là thời cổ cơ mà. Sao lại áo tân thời?

Thanh đồng Nguyễn Thị Thìn

“Ngay cả trong múa cũng đang biến tướng. Ai thích múa sao thì múa, ngang cũng được, múa dọc cũng được. Đó là sai. Ví dụ như hầu Đức thánh Trần- ngài múa kiếm nhưng có người cải biên thành múa đao, như vậy là không phù hợp. Biến thái nữa là thánh ngự đồng không chuẩn mực, mượn lời thánh phán truyền để đòi lễ cao. Lễ là tiền nhưng tùy tiền biện lễ chứ không thể phán truyền để mưu lợi”- thủ nhang của Bắc Lệ Vọng linh từ nhận định.

Đồng quan điểm này, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Thìn (Thủ nhang đồng đền Phúc Quang Điện- Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết: “Các vũ điệu, ăn mặc trang phục kết hợp với nhau rất chặt chẽ cho nên khi hầu, cảm thấy khoan thai, nhẹ nhàng thoải mái như có một tâm linh gì đấy. Nhưng bây giờ, nhiều ông bà đồng, con nhang đệ tử cách ăn mặc, trang phục không đúng thuần túy như ngày xưa. Trước nhẹ nhàng tế nhị, xưa làm gì có phấn son, giờ theo thời đại mới thì cũng cần chút phấn son nhưng có người phấn son lòe loẹt thành hiện tượng đồng đua, đồng đú”.

Cần sự thống nhất, gắn kết

Theo các thanh đồng, để hạn chế những biến tướng của di sản, điều cần thiết là sự noi gương của các thanh đồng chính đạo và sự gắn kết giữa các thanh đồng với nhau.

Thanh đồng Dương Ngọc Vũ cho rằng, muốn giữ được giá trị tốt đẹp của đạo Mẫu, thì người theo đạo phát nhất tâm- một lòng. "Đi theo bằng tâm thực, đừng lố bịch, đừng huyên náo. Trong con nhanh, đệ tử của tôi, cũng có những người tuân thủ hoàn toàn, còn 1 số thì anh trên em dưới sẽ bảo lẫn nhau. Tôi vẫn dặn là trong nhà loạn thì ra ngoài sẽ đông người loạn theo. Nên chúng tôi luôn bảo ban nhau. Trong đệ tử con nhang của chúng tôi luôn nhất tâm cùng nhau giữ gìn, phẩm vật không cần cầu kỳ, chỉ có tục thờ thì phải tuân theo, còn những việc khác có thay đổi nhưng không được biến thái”- thanh đồng Dương Ngọc Vũ chia sẻ.

Theo thanh đồng Dương Ngọc Vũ, việc nêu gương và nhắc nhở lẫn nhau giữa thanh đồng với các đệ tử là biện pháp hữu hiệu để gìn giữ giá trị của di sản, tránh biến tướng. “Một ông đồng chính đạo, có 100 con nhang thì sẽ dạy 100 con nhang ấy chính đạo, 100 con nhang chính đạo sẽ dạy thêm được 1000 con nhang chính đạo. Một ông đồng gắn kết với ông đồng khác, cứ thế nhân lên sẽ có những người chính đạo. Phải gắn kết với nhau chứ nếu cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, mỗi người làm theo sở thích của mình thì không bao giờ có thể tránh được sự biến tướng của di sản. Sức mạnh tập thể của những thanh đồng có cốt cách, có tư cách của một ông thầy và là một người đúng đạo thì không những phát triển được mà vẫn giữ được những nét thuần phong mỹ tục ấy”- Thanh đồng Dương Ngọc Vũ cho hay.

Ông cũng cho biết, nếu không có sự gắn kết giữa các thanh đồng với nhau thì không giữ gìn được giá trị di sản. Thanh đồng Dương Ngọc Vũ nhận định: “Hiện nay, các thanh đồng không hiểu di sản khi thực hiện hầu quan lớn tuần cứ múa đôi kiếm. Như thế là sai. Tôi mong muốn chúng tôi thành lập một hội của các thanh đồng, nếu có những thanh đồng làm sai, góp ý không sửa thì nên có cơ chế phế trừ anh ta. Có như vậy mới được. Không thể để như hiện nay ai thích làm thế nào thì làm”.

Thanh đồng Hoàng Lương

Thanh đồng Hoàng Lương (thủ nhang đền Vàng, Thanh Hóa) thì cho biết: "Đạo nào cũng hướng con người tới chân, thiện, mỹ, nhất là đạo Mẫu. Còn mặt trái bây giờ, có những người là con của Mẫu, nhưng đi quá giới hạn như phán truyền, mê tín dị đoan, mang lại lợi nhuận kinh tế riêng cho mình, làm mai một đi nghi lễ của những phong tục, tập quán. Là người hàng ngày phụng sự, nhiều khi tôi rất buồn, khi thấy những thanh đồng biến tướng, làm mất giá trị tâm linh rất lớn, Những năm gần đây, các con nhang không đi sâu vào việc tìm hiểu giá trị của nghi lễ hầu đồng, khi thấy những biến tướng, họ cũng đặt câu hỏi với mình. Vậy là tôi phải đi tìm hiểu để giải đáp, trả lời, thuyết phục định hướng cho các con nhang cho đúng đạo”.

Theo thanh đồng Hoàng Lương, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ những nhà khoa học để nhiều thanh đồng cũng tìm hiểu được giá trị đúng của di sản. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các nhà văn hóa, các cơ quan quản lý với các thanh đồng để tổ chức các liên hoan là cần thiết để tạo sự phấn khởi cho các thanh đồng, sao để càng giao lưu, càng giữ được truyền thống.

Với kinh nghiệm 40 năm theo Mẫu, thanh đồng Nguyễn Thị Thìn cho rằng, dư luận nên phê phán để định hướng được nét đẹp của nghi thức này. Cũng như những nghệ nhân, những thanh đồng chính đạo phải làm sao bảo tồn được di sản văn hóa đúng với nghĩa của nó. Các nghệ nhân, ông bà đồng phải gương mẫu trước, thực hành nghi lễ chuẩn mực, giữ đúng như các cụ xưa truyền lại. Còn đổi mới thì các ông bà đồng phải kết hợp, thông qua các liên hoan để trao đổi, học tập lẫn nhau, sao cho phù hợp với đời sống hiện nay./.

Hồng Hà

Kỳ sau: Để giá trị di sản được bảo tồn, lan tỏa

Nguồn: Báo Tổ quốc