Vùng lõi Vườn quốc gia Cúc Phương vẫn bị "lâm tặc xẻ thịt"

Cập nhật: 23/11/2017
Nạn “lâm tặc” vẫn không được kiểm soát tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Nhiều tháng trôi qua, rừng vẫn chảy máu. Hàng loạt cây gỗ lớn đã bị đốn hạ và vận chuyển ra ngoài. Dư luận hoài nghi năng lực của ngành kiểm lâm, khi liên tục để tình trạng lâm tặc hoành hành.

Thời gian gần đây, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, thuộc địa phận thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên (Thạch Thành – Thanh Hóa) tình trạng phá rừng diễn ra phức tạp. Nhiều cây gỗ quý đã bị chặt hạ và vận chuyển ra ngoài đi tiêu thụ.

Được một người dân địa phương dẫn đường, PV đã lội rừng nhiều giờ đồng hồ, vượt qua cung đường toàn đá tai mèo để tiếp cận khu vực lâm tặc đang hoành hành tại thung Quèn Cả. Tại đây, chúng tôi ghi nhận 3 cây gỗ lớn đã bị đốn hạ còn chảy nhựa, chỉ còn vỏ gỗ sót lại. Đây là những cây rừng có tuổi đời cao, đường kính lớn và có giá trị kinh tế khá cao. Cưa máy, trang thiết thị được giấu sẵn trong rừng, chỉ cần có thời cơ, chúng sẽ nhanh chóng chặt hạ cây rừng. Để tránh sự nhòm ngó, lâm tặc không đốn hạ tập trung ở bìa rừng mà vào sâu bên trong vùng lõi của Vườn quốc gia.

Ngổn ngang bên trong vùng lõi VQG Cúc Phương
Ngổn ngang bên trong vùng lõi VQG Cúc Phương

Sau khi đã chặt hạ xong, chúng im ắng nghe ngóng tình hình, chờ đợi thời cơ rồi mới quay trở lại cưa xẻ thành từng tấm để dễ dàng vận chuyển. Lâm tặc ngày càng có những thủ đoạn tinh vi để đánh lừa các ngành chức năng.

Càng đi sâu vào vùng lõi rừng bị phá càng nhiều. Vào tới thung Trong la liệt các gốc cây đã bị chặt hạ, nhiều cây có đường kính gần 1m, dài trên 20m. Phần lớn gỗ đã được vận chuyển ra ngoài, chỉ còn những gốc cây nằm lại trơ trọi. Gần khu vực thung Trong nhiều thanh gỗ hộp còn nằm sót lại khi lâm tặc chưa kịp vận chuyển ra ngoài, cũng có nhiều cây mới bị đốn hạ chờ thời cơ lâm tặc mới vào xẻ.

Một cây gỗ Đinh Hương có giá trị kinh tế cao đã bị đốn hạ.
Một cây gỗ Đinh Hương có giá trị kinh tế cao đã bị đốn hạ.

Chỉ tay vào cây gỗ Đinh Hương đã bị đốn hạ, người dẫn đường cho biết:  Như cây gỗ Đinh Hương với trữ lượng khoảng 3m3, lâm tặc phải mất ít nhất 1 tuần mới xẻ và vận chuyển ra ngoài được. Nếu đem bán thì mỗi một khối gỗ này có giá cả chục triệu đồng.

Trời đã vào đông, chỉ trong thoáng chốc, bóng tối phủ lấy khu rừng, người dẫn đường vội vã giục chúng tôi quay trở ra, nếu không sẽ khó lòng đi qua những đoạn đá tai mèo lởm chởm.

 Ngày 04/05/2017, Báo TN&MT điện tử có bài: Vườn Quốc gia Cúc Phương lại "chảy máu" vì lâm tặc. Phản ánh thực trạng: Hàng loạt cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm tuổi bị “lâm tặc” đốn hạ không thương tiếc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận thung Thưa, xã Thành Yên, huyện Thạch Thạch. Rừng đang “chảy máu” trong khi đó, các ngành chức năng vẫn không hề hay biết?

Nhiều cây gỗ lớn đã bị lâm tặc đốn hạ, chỉ còn gốc nằm trơ trọi.
Nhiều cây gỗ lớn đã bị lâm tặc đốn hạ, chỉ còn gốc nằm trơ trọi.

Thế nhưng, nạn lâm tặc vẫn không được kiểm soát, mà ngày càng hoành hành. Rừng liên tục bị chảy máu, trong khi đó ngành chức năng lại tỏ ra yếu kém trong năng lực quản lý.

Trao đổi với PV, ông Trương Thanh Đại - Chủ tịch UBND xã Thành Yên, xác nhận: “Tại thung Quèn Cả có bị lâm tặc khai thác 2 cây mới, còn khai thác trước đó thì có 5, 6 cây, tại thung Trong cũng có vài cây nhưng không phát hiện thấy khai thác mới”. 

Còn ông Lê Quốc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay là giữa Thanh Hóa và Ninh Bình chưa ký kết được quy chế phối hợp cấp tỉnh, mà mới chỉ dừng lại ở cấp Hạt trong quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương. Thế nên việc tuẩn tra và xử lý vi phạm còn nhiều tồn tại. Vẫn có tình trạng khai thác rừng trái phép diễn ra, nhưng chỉ dừng lại ở dạng nhỏ lẻ, người dân lấy gỗ về làm nhà. Cụ thể, tháng 11/2017 phát hiện 2 vụ, gồm 1 cây gỗ tráng kẻ, đường kính 40 cm (kiểm tra ngày 17/11), tại tiểu khu 13 của xã Thành Mỹ và 1 cây gỗ tráng kẻ khác, có đường kính 60 cm tại tiểu khu 16 của xã Thành Yên (kiểm tra ngày 19/11).

Gỗ đã được xẻ, chờ thời cơ lâm tặc sẽ vận chuyển ra ngoài.
Gỗ đã được xẻ, chờ thời cơ lâm tặc sẽ vận chuyển ra ngoài.

Thế nhưng, khi thực tế tại hiện trường phá rừng, theo ghi nhận của PV lượng cây bị đốn hạ gấp nhiều lần so với con số thống kê của ngành kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là hình thức phá rừng có quy mô, tổ chức chứ không chỉ dừng lại ở việc người dân đốn gỗ về làm nhà.

Những cánh rừng màu mỡ nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Cúc Phương vẫn ngày đêm bị lâm tặc xẻ thịt. Trong khi đó, xã Thành Yên chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào xã, hai đầu đều có 2 trạm kiểm lâm của VQG Cúc Phương chốt chặn. Vậy số gỗ lâm tặc khai thác sẽ được vận chuyển ra ngoài bằng cách nào?

                                                                                                Thanh Tâm

Nguồn: : TN&MT