SÀI GÒN SAFARI: Dự án tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vẫn chưa phục vụ du lịch

Cập nhật: 30/11/2017
Sau khi rầm rộ tung thông tin, tuy nhiên, đến nay hơn 13 năm nhưng dự án Thảo Cầm Viên Sài Gòn mới (Sài Gòn Safari) vẫn chưa thể triển khai, phục vụ du lịch. Trong khi đó, đất đai bỏ hoang, lãng phí, người dân lại không có tư liệu sản xuất.

Chỉ còn ít hộ dân đang bám trụ lại khu vực này, do chưa đồng ý với phương án 1 đền bù

Chưa tìm được đối tác

Theo quy hoạch được điều chỉnh vào tháng 3/2017, ngoài công viên, trong phân khu chức năng chính của dự án này (với 384ha) sẽ có khu vui chơi giải trí, club house, khách sạn, biệt thự. Bên cạnh đó, sẽ là các tiện ích công cộng như quảng trường, bãi đậu xe, nhà điều hành… (khoảng 56%). Mục tiêu của dự án là xây dụng một khu công viên sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Dự án được giao cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư, được cấp phép đầu tư từ 2004, có diện tích hơn gần 500ha, triển khai tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, với tổng mức đầu tư 500 triệu USD.

Trong báo cáo tài chính, Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, đã đổ hàng trăm tỷ đồng vào dự án này. Trong đó, tính đến hết năm 2016, tổng số tiền đền bù thiệt hại lên đến gần 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, suốt 13 năm qua, dự án vẫn án binh bất động. Nguyên nhân được đưa ra phân tích, mổ xẻ chính là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Và một nguyên nhân quan trọng khác, chính là do Thảo Cầm Viên không đáp ứng được nhu cầu vì năng lực yếu.

Trước thực trạng trên, cách đây chưa lâu, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) về đề xuất đầu tư Dự án công viên Sài Gòn Safari. Theo đó, UBND TP đã chấp thuận cho Công ty Vinpearl tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp các sở ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ công ty này thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết theo đúng quy định để sớm triển khai dự án.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có động thái nào triển khai và vẫn chưa rõ ràng việc đầu tư của đơn vị nói trên. Theo thông tin mà PV có được, việc kêu gọi đầu tư vào dự án này cũng gặp không ít khó khăn.

Người dân tận dụng đất hoang để sản xuất nông nghiệp

Lãng phí

Trong suốt 13 năm qua, khu vực này, đất đai bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Theo thông tin mà PV có được thì đến năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án này đã đạt tới 96% và hừng hực khí thế triển khai.

Thế nhưng, dù chỉ còn 4% nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã đạt 560/619 tỷ đồng chi trả cho 684 hộ. Thế nên, khi đến đây, ngoài những ngôi nhà bỏ hoang thì dự án không có bất cứ cái gì khác. Bên trong duy chỉ có mấy con trâu, con bò của người dân đang gặm cỏ dại.

Điều đáng nói là, khu nhà tái định cư (khoảng 250 hộ) với gần 30ha vẫn chưa được UBND huyện Củ Chi triển khai xây dựng. Theo khảo sát của PV, ngay tại ngã tư đường An Nhơn Tây – Nguyễn Thị Rành là phần đất dự kiến sẽ làm khu tái định cư nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy có bất cứ động tĩnh nào.

“Lâu nay vẫn chưa hề có nền tái định cư, người dân ly tán khắp nơi, không có chỗ ở ổn định, kẻ đi làm thuê, người làm mướn khắp nơi. Có người mướn lại ngay mảnh đất ngày xưa của mình. Chính quyền hứa tạo công ăn việc làm mới cũng không thấy đâu. Ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày, đến con cái đi học. Vì không có việc làm cũng không có chính sách hỗ trợ”, Trần Văn Khải, một người dân ở đây cho biết.

“Bà con không có đất sản xuất, không có chỗ để ở mà đất thì bỏ hoang. Một số người làm liều, trồng đại cây cỏ để nuôi bò, có người mướn lại đất canh tác nông nghiệp. Bà con thiếu thốn công ăn việc làm, tệ nạn trộm cắp lại nảy sinh nhiều”, ông Khải nói thêm.

Dự án bỏ hoang nhiều năm nay, là nơi chăn thả trâu bò

13 năm qua, dự án đã thu hồi đất của người dân nhưng lại bỏ hoang hóa, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người. 500ha chứ đâu có phải 5ha đâu, điều này là rất lãng phí, và không phải nói là phung phí mới đúng. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, đặc biệt là lãnh đạo TP phải vào cuộc quyết liệt để dự án chuyển động tiếp”, ông Nguyễn Bình Minh ở thị trấn Củ Chi nói.

Theo tính toán của ông Minh, mỗi ha đất, nếu khai thác, sản xuất cho lợi nhuận 30 – 40 triệu đồng/năm, nhân cho 500ha trong 13 năm qua thì con số này là rất lớn. Trong khi đó, người dân lại không có đất đai để sản xuất. Đó là chưa kể hàng loạt vấn đề kéo theo như tình trạng người thất nghiệp, ly tán khắp nơi, khiếu kiện kéo dài... 

Thanh Tùng

Nguồn: Báo Du lịch