Ðồng Tháp tập trung quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật: 19/12/2017
Tỉnh Ðồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn; sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, kiểm soát sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, trong đó thả về môi trường tự nhiên 296 cá thể chim và rắn các loại. Tại TP Sa Ðéc, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cá giống gồm các loài cá bản địa, có giá trị kinh tế như: Mè vinh, He vàng, Tra, hô, Chài, Ét mọi, Tra bần, Bông lau với số lượng hơn một triệu con thả về với thiên nhiên. Ngoài ra, tỉnh Ðồng Tháp còn triển khai điều tra tổng thể đa dạng sinh học của hệ sinh thái thủy vực trên địa bàn tỉnh, xác định những loài cần bảo tồn và khu vực cần quy hoạch bảo tồn.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước ở tỉnh cũng được tổ chức thực hiện nghiêm tại các khu rừng đặc dụng.

Trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học ở tỉnh Ðồng Tháp, việc tuyên truyền, phục hồi các quần thể lúa, quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tỉnh chú trọng. Năm 2017, tỉnh đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho 372 người dân và cán bộ xã, phường tham dự về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tác hại các loài thủy sinh vật ngoại lai.

Ðồng thời để quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát động vật hoang dã được tỉnh tiến hành thường xuyên, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chủ trương khuyến khích gây nuôi để hợp thức hóa động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp, mua bán trái pháp luật. Tỉnh Ðồng Tháp đã triển khai, thực hiện đồng bộ kế hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.

* TP Cần Thơ hiện có 4.400 nạn nhân bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó, khoảng 1.100 nạn nhân không có khả năng tự chăm sóc bản thân, hơn 650 nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi và gần 350 hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam thuộc diện đặc biệt khó khăn.

5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Cần Thơ đã vận động hơn 1.000 lượt đơn vị và cá nhân đóng góp hơn 40 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa gần 200 căn nhà cho gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, tặng 251 chiếc xe lăn, xe lắc và 400 suất học bổng cho các học sinh là nạn nhân và con em của nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Hội cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí và hỗ trợ vốn sản xuất để các gia đình nạn nhân phát triển kinh tế...

Trong giai đoạn 2017-2021, TP Cần Thơ đề ra chương trình mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra số nạn nhân cần trợ giúp để có kế hoạch chăm sóc hằng năm; phấn đấu vận động mọi nguồn lực xã hội để quỹ nạn nhân chất độc da cam thành phố đạt năm tỷ đồng trở lên; cấp quận, huyện hội phấn đấu vận động từ 50 triệu đồng trở lên để chăm sóc nạn nhân chất độc da cam; chú trọng việc xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học nghề và vốn sản xuất để gia đình nạn nhân ổn định cuộc sống.

Nguồn: nhandan.com.vn