Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Cập nhật: 03/01/2018
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông nằm trên địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước (Thanh Hóa), được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 4.343 ha phân khu phục hồi tái sinh. Pù Luông được đánh giá là KBTTN có giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH) và phát triển du lịch sinh thái (DLST), đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã.

Nguy cơ suy giảm ĐDSH

KBTTN Pù Luông là sự kết hợp giữa hệ sinh thái (HST) núi đá vôi với HST núi đất và HST rừng, bao gồm 5 kiểu rừng chính: rừng lá rộng đất thấp trên núi đá vôi (phân bố ở độ cao 60 - 700 m); lá rộng đất thấp trên các phiến thạch, sa thạch và đất sét (60 - 1.000 m); lá rộng chân núi đá vôi (700 - 950 m); lá kim chân núi đá vôi (700 - 850 m) và rừng lá rộng chân núi bazan (1.000 -1.650 m). Pù Luông là nơi giao thoa của 2 dãy núi Hoàng Liên và Bắc Trường Sơn nên có hệ thực vật đa dạng với hơn 1.540 loài, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, ngù hương…

Đặc biệt, KBTTN còn có 590 loài cây dược liệu, thuộc 445 chi, 161 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và nhóm nấm. Về hệ động vật, KBTTN có 598 loài, thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 9 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát)..., tiêu biểu như báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương…. Ngoài ra, KBTTN còn có hệ côn trùng phong phú với 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn và là nơi cư trú của loài linh trưởng voọc quần đùi trắng, với số lượng lên đến hàng trăm cá thể.

Hiện nay, tại vùng đệm và vùng lõi của KBTTN có tới 4.201 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc Thái, Mường. Do đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lợi khai thác từ rừng, nên gây áp lực lớn cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, kéo dài từ phía Tây xuống phía Nam của KBTTN là dòng sông Mã, việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên dòng sông đã tác động không nhỏ đến HST của sông. Hiện trên sông Mã, đoạn từ huyện Mường Lát đến huyện Cẩm Thủy đã có 7 nhà máy thủy điện. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy và mực nước sông, sụt lún lòng sông, suy giảm chất lượng nước, ảnh hưởng đến nơi cư trú của các loài động, thực vật thủy sinh và động, thực vật ở các khu rừng hai bên dòng sông. Ngoài ra, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại đã cạnh tranh với các loài bản địa nguồn thức ăn, nơi sống, phá hủy, hoặc gây thoái hóa môi trường sống, làm suy giảm ĐDSH.

Để hạn chế những tác động tiêu cực của các hoạt động trên đối với HST rừng Pù Luông, những năm gần đây, đã có nhiều dự án trong nước và ngoài nước được triển khai hỗ trợ người dân bảo vệ rừng. Nhờ đó, cuộc sống của các hộ dân thuộc vùng lõi và vùng đệm của KBTTN Pù Luông đang thay đổi từng ngày. Đến nay, Ban quản lý (BQL) KBTTN Pù Luông đã giao khoán bảo vệ rừng cho 42 cộng đồng thôn, bản, với diện tích 16.102 ha rừng. Ngoài ra, Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (DED) đã đầu tư 1 tỉ đồng phát triển sinh kế và xây dựng các công trình nước sạch cho 350 hộ dân nghèo; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho đồng bào dân tộc.

Phát triển DLST cộng đồng

Không chỉ đa dạng về các loài động, thực vật, KBTTN Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan đặc trưng của vùng Tây Bắc, những ruộng bậc thang, dãy núi đá vôi hùng vĩ, các hang động kỳ bí và các làng, bản dân tộc thiểu số ven suối, với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, Mường. Pù Luông còn gần các điểm du lịch như Bản Lác - Mai Châu (Hòa Bình), suối cá Thần Cẩm Lương (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình)... tạo thành vòng tour du lịch khép kín.

Để khai thác tiềm năng DLST, từ năm 2008, Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI) đã phối hợp với BQL KBTTN Pù Luông triển khai dự án DLST, phát triển du lịch cộng đồng, trong đó chọn một số gia đình tiêu biểu để trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn homestay. Bên cạnh đó, FFI cũng đào tạo cư dân cách thức phục vụ để có thể làm hướng dẫn viên cho du khách... Nhóm thực hiện Dự án đã soạn thảo cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch để quảng bá hoạt động du lịch, trong đó có các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh như nước uống, món ăn, khu vệ sinh, dịch vụ hỗ trợ... Cùng với đó, BQL KBTTN Pù Luông tăng cường tổ chức các lớp dạy nghề cho các hộ dân sản xuất các mặt hàng lưu niệm độc đáo… Đồng thời, BQL đẩy mạnh nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho người dân về các chủ chương chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua các buổi họp thôn, hoạt động tập thể, phối hợp với nhà trường lồng ghép trong chương trình học về bảo vệ và phát triển rừng.

Đến nay, BQL KBTTN Pù Luông đã hỗ trợ gần 20 gia đình xây dựng nhà sàn truyền thống dân tộc Thái, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các hộ làm du lịch ở 10 thôn, bản thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Trong đó, riêng bản Hiếu, nằm trong vùng lõi KBTTN có 3 gia đình được hỗ trợ làm nhà nghỉ sinh thái, mỗi nhà có từ 20 - 30 chỗ nghỉ để đón khách lưu trú tại gia đình cùng với khu công trình phụ sạch sẽ, hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn. Bản có 42 hộ, 161 nhân khẩu, bao đời nay gắn bó với nghề trồng lúa và chăn nuôi. Từ khi phát triển du lịch, mỗi năm bản đón được 934 khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Hầu hết, du khách đều tỏ ra thích thú, vì cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, với hệ động, thực vật phong phú, và được khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân bản địa.

Để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển DLST cộng đồng tại Pù Luông, năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch tại KBTTN Pù Luông. Theo đó, KBTTN Pù Luông được đầu tư khoảng 80 tỷ đồng để phát triển không gian, hạ tầng DLST gắn với văn hóa cộng đồng (gồm khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ sinh thái - văn hóa cộng đồng...) trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát. Các loại hình du lịch được đưa vào khai thác là nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao mạo hiểm (leo núi), tham quan danh lam, thắng cảnh... Qua đó, góp phần bảo tồn tính ĐDSH, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Mường và tạo việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng đề ra một số giải pháp như: Xây dựng kế hoạch điều tra tổng thể tài nguyên rừng theo định kỳ (5 - 10 năm), để đánh giá tổng thể tài nguyên, phục vụ tốt cho công tác quản lý của KBTTN. Đồng thời, triển khai xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đây được xem là một trong những hình thức nhằm xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, coi trọng người dân, đặt họ là trung tâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH.

Nguyễn Minh Hạnh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017