Đà Nẵng hướng tới phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 03/01/2018
Thời gian qua, ngành Du lịch Đà Nẵng có mức tăng trưởng bền vững với lượng du khách ngày càng gia tăng. Sở dĩ đạt được những kết quả trên là do cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, người dân Đà Nẵng đã “chung sức, chung lòng” hướng tới mục tiêu bảo tồn, tu tạo các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển bền vững. Mặc dù, ngành công nghiệp “không khói” đem lại lợi nhuận cao, nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại những mặt trái tác động đến môi trường, thiên nhiên. Để du lịch là thế mạnh và hướng tới bền vững, các nhà quản lý, cũng như đơn vị lữ hành cần có định hướng để các điểm du lịch có môi trường trong lành, hấp dẫn.

Tất cả vì TP xanh - sạch - đẹp

Nhiều năm qua, TP. Đà Nẵng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước, viễn thông, cảng biển… thuận tiện, đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng không ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường. Ngoài ra, chính quyền TP đã tập trung đảm bảo tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế tối đa việc bán hàng rong, đặt các biển cấm trong TP với tần suất khoảng 300 m - 500 m/biển… Việc quản lý ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do phát thải của các phương tiện giao thông và hoạt động dịch vụ luôn được quan tâm thực hiện.

Với mục tiêu xây dựng TP bền vững về môi trường, Đà Nẵng đã phát triển các ngành dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, y tế…); cung cấp các dịch vụ công cộng như vệ sinh môi trường, trang trí đường phố, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý, niêm yết giá… để phục vụ tối đa nhu cầu du khách, điển hình như việc trồng nhiều cây xanh trên các tuyến phố, hệ thống công viên, vườn hoa…đồng thời, xây dựng thiết chế văn hóa trong khu dân cư tại các quận, huyện để người dân hiểu và thực hiện.

Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn TP cùng hành động vì môi trường thông qua các phong trào "Tết trồng cây", "Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp", cuộc thi "Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh"…đã phủ xanh nhiều tuyến phố; những khu đất trống được thay thế bằng khu vườn hoa xanh, sạch, đẹp.

Những hành động trên đã phần nào tạo ấn tượng đẹp với du khách trong nước và quốc tế. Ngành Du lịch Đà Nẵng đã tích cực tuyên truyền những lợi ích mà du lịch mang lại cho người dân; đồng thời, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch quy định đối với các tổ chức, cá nhân và các ngành hoạt động liên quan đến du lịch, trong đó yêu cầu du khách phải tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán địa phương, có ý thức BVMT tự nhiên và xã hội, tuân thủ những quy định tại từng điểm tham quan...

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hướng tới phát triển bền vững

Tận dụng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi, Đà Nẵng đã và đang tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu như trước đây, sản phẩm du lịch được phát triển mang tính đa dạng với mọi loại hình thì những năm gần đây, Đà Nẵng đã “đặc biệt hóa” sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch bền vững. Bên cạnh việc đầu tư, hình thành các cơ sở lưu trú du lịch, Đà Nẵng còn là TP biển có hệ thống các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, nổi tiếng thế giới như: Furama, Novotel, Vinpearl, Intercontinental, Hyatt, Crowne Plaza, Pullman, Mercure…

Ngoài ra, Đà Nẵng đã đầu tư và đưa vào hoạt động 9 bãi tắm sạch đẹp, có nhiều tiện ích công cộng phục vụ du khách, các dịch vụ vui chơi giải trí thể thao biển như: ca nô, dù kéo, lặn biển, tham quan vòng quanh bán đảo Sơn Trà, lặn biển ngắm san hô… góp phần tăng thêm trải nghiệm cho du khách.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là nơi diễn ra các sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, Chương trình Khai trương mùa du lịch biển; Cuộc đua thuyền buồm thế giới Clipper Race…

Không chỉ là một TP biển xinh đẹp với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, Đà Nẵng còn được biết đến với nhiều địa danh lịch sử và là “cái nôi” văn hóa nổi tiếng của dải đất miền Trung thông qua các tour tham quan di tích lịch sử: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, đình làng Túy Loan, Khu căn cứ cách mạng K20...

Nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, năm 2013, đèo Hải Vân được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với các phân khu chức năng như: sàn vọng cảnh, khu bán hàng lưu niệm tập trung, khu vườn dạo, khu ẩm thực, hiện đang xúc tiến kêu gọi đầu tư triển khai dự án này. Ngoài ra, phía Tây TP có các khu du lịch Suối Hoa, Hòa Phú Thành, Phước Nhơn… với các sản phẩm dịch vụ du lịch trượt thác mạo hiểm, ẩm thực, dã ngoại cắm trại…

Có thể nói, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại. Hầu hết các quốc gia có ngành du lịch phát triển, cũng như một số nước trên thế giới đã và đang triển khai mô hình du lịch này và gặt hái được nhiều thành công. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng phát triển theo hướng chất lượng và bền vững.

Nhâm Hiền

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017