Phát triển du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai: Khai thác đi đôi với bảo tồn

Cập nhật: 05/01/2018
Ngoài nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh học hệ sinh thái của rừng cây tự nhiên bản địa, duy trì nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm của Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ thì Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) còn là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng và là một trong những điểm nhấn của du lịch Đồng Nai trong tương lai.

Du khách nước ngoài tham quan vườn rau sạch nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

(Ảnh do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cung cấp)

Đề án quy hoạch, phát triển du lịch Khu bảo tồn đến năm 2030 có ý nghĩa, tác động lớn đến việc xây dựng định hướng khai thác các giá trị tự nhiên để phát triển du lịch. Đề án cũng sẽ tạo điều kiện để nâng cao ý thức trách nhiệm và giải quyết việc làm cho người dân trong khu vực.

* Đảm bảo diện tích rừng

Đề án này được Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh giao cho Khu bảo tồn làm chủ đề án. Đơn vị tư vấn đề án là Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch). Theo đó, đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là từ năm 2017 - 2025 và giai đoạn 2 là từ 2025 - 2030. Mới đây, đề án đã được các thành viên hội đồng thẩm định phản biện, đề xuất những hướng phát triển phù hợp.

Phát triển du lịch homestay
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp yêu cầu chủ dự án và đơn vị tư vấn xây dựng đề án trên cơ sở kết nối các tuyến du lịch sẵn có, đề án du lịch của địa phương; cần cập nhật mới các số liệu; tính toán lộ trình, thứ tự ưu tiên xây dựng các công trình phù hợp, cụ thể theo từng giai đoạn. Chủ đề án cần tính toán lại nguồn kinh phí sao cho cân đối, phù hợp với nguồn ngân sách. Ngoài ra cần nghiên cứu mô hình kết hợp với các loại hình du lịch homestay gắn với người dân, phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương...

Dự kiến, tổng nhu cầu đất để phát triển du lịch của đề án khoảng gần 8,8 ngàn hécta. Theo TS.Võ Quế, đại diện đơn vị tư vấn, ngoài nhu cầu đất cho các sản phẩm du lịch văn hóa, nhu cầu đất để phát triển các cụm du lịch chiếm hơn 5 ngàn hécta, gồm: Trung tâm Khu bảo tồn, cụm du lịch hồ Bà Hào, cụm du lịch Hiếu Liêm, cụm du lịch Phú Lý, cụm du lịch hồ Trị An và các đảo...

TS.Trần Văn Thông, Trưởng khoa Quản trị du lịch và khách sạn Trường đại học tài chính TP.Hồ Chí Minh, thành viên phản biện đề án, cho rằng đề án cần đánh giá cụ thể tiềm năng phát triển Khu bảo tồn, cũng như hiện trạng đất rừng để có hướng phát triển du lịch phù hợp, đảm bảo được diện tích rừng tự nhiên, các nguồn tài nguyên sẵn có…

“Việc lập đề án là cần thiết, cấp bách trong tình hình hiện nay. Công tác quy hoạch dự án cần chú trọng đến phong cách kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, các công trình nên “uốn mình” theo địa hình tự nhiên, tránh phá vỡ các cảnh quan do thiên nhiên ban tặng” - TS.Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng bộ môn Kinh tế học Trường đại học lao động - xã hội (cơ sở 2), thành viên phản biện đề án, nêu ý kiến.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án, nhấn mạnh chủ đề án cần rà soát lại thật kỹ báo cáo tổng hợp đề án. Trong đó, đề án phải gắn liền với việc bảo vệ rừng, đảm bảo giữ nguyên diện tích rừng.

* Thu hút nguồn đầu tư

Bên cạnh đó, dự án còn hướng tới kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh để đa dạng loại hình, tạo những điểm nhấn để thu hút du khách.

Đề án phát triển du lịch Khu bảo tồn kết nối với cụm du lịch trên hồ Trị An và các đảo.

TS.Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn, cho biết đề án sẽ tính tới các phương án thu hút nguồn đầu tư từ xã hội hóa, phát huy những lợi thế của tỉnh Đồng Nai, tạo ra các sản phẩm du lịch thế mạnh để thu hút khách du lịch, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng cường phối hợp để thu hút nguồn du khách sẵn có, đơn cử như lượng công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Theo đơn vị tư vấn, tổng số vốn dự kiến của đề án là 1.172 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp phát triển du lịch là 660 tỷ đồng, phân bổ theo từng giai đoạn; vốn đầu tư chương trình cơ sở hạ tầng du lịch, công tác xử lý môi trường, cấp thoát nước, bảo tồn, phát triển tài nguyên sinh thái là 512 tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng đề án cần gắn liền với tổng quan phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của tỉnh, cũng như kết nối các tuyến du lịch với các địa phương khác. Đề án cũng nên đánh giá cụ thể những mô hình liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp phù hợp, tận dụng yếu tố lợi thế về đầu tư, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước để phát triển dự án theo lộ trình, giai đoạn phù hợp, cụ thể.

Tương tự, bà Đặng Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cũng đề nghị chủ dự án cần có quy hoạch chi tiết, cụ thể để xác định sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc trưng của Khu bảo tồn; xác định những dự án, công trình lựa chọn thứ tự ưu tiên, cũng như ban hành quy chế phối hợp giữa huyện Vĩnh Cửu và Khu bảo tồn để xây dựng, phát triển dự án phù hợp với  đề án phát triển du lịch chung của địa phương.

“Đề án cần hướng tới phát triển bền vững, có phương pháp cân đối kinh tế, liên kết hợp tác quốc tế. Đơn cử như kết nối tỉnh Tây Ninh (địa phương nằm trong vùng tứ giác phát triển du lịch Việt Nam - Campuchia - Lào - Thái Lan)” - TS.Trần Văn Thông chia sẻ thêm.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng nhận xét, đề án cũng nên kết hợp với du lịch tuyến đường sông Đồng Nai đang được triển khai. Các công trình cần phù hợp, hài hòa, đường giao thông chỉ bê tông hóa các trục đường chính kết nối và nên giữ lại những đường mòn, đường be để du khách có thêm nhiều trải nghiệm với thiên nhiên. 

Hải Quân

Nguồn: Báo Đồng Nai