Thân thiện với du khách

Cập nhật: 11/01/2018
Đi kèm những hoạt động cụ thể của ngành du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua như dự án “Thoải mái như ở nhà”, chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”, Bộ quy tắc ứng xử du lịch… được triển khai rộng rãi thì chính những con người bình dị như chị bán hàng, bác xích-lô, anh lái xe taxi… đã làm nhiều du khách cảm thấy ấm lòng.

Các tình nguyện viên hướng dẫn khách tàu biển quốc tế tham khảo các tour. Ảnh: NHẬT HẠ

Chị Trần Thị Quế, du khách đến từ thành phố Nam Định nhớ mãi chuyến đi Đà Nẵng cùng gia đình dịp cuối năm 2017. Trong thời gian lưu trú ở khách sạn trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà) được hơn một ngày thì cậu con trai 8 tuổi bị sốt. Lúc đó, trời đã tối, một nhân viên khách sạn gọi xe và cùng đưa con chị vào bệnh viện. “Dù chuyến đi bị gián đoạn nhưng thật sự gia đình tôi cảm kích vì sự nhiệt tình, chân thành của người Đà Nẵng”, chị Quế bày tỏ.

Bên cạnh đó, không ít khách du lịch khi đến Đà Nẵng cảm thấy khá yên tâm khi đi mua sắm, ăn uống. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đa phần cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại các điểm đông khách du lịch đều được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nhiều năm kinh doanh dịch vụ tại bãi biển Phạm Văn Đồng, chị Ngọc Hà, tổ kinh doanh dịch vụ số 2 cho hay, trong kinh doanh dịch vụ, những tiêu chí cơ bản như vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm phải luôn được đặt lên hàng đầu; bên cạnh đó phải có thái độ niềm nở, chân thành với khách... Hằng năm, Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, ứng xử nên đa số khách đều hài lòng về dịch vụ, giá cả.

Một trong những điểm nhấn khác của Đà Nẵng là trải nghiệm ngắm thành phố bằng xích-lô du lịch. Chị Ruy Eun Jeong, du khách Hàn Quốc chia sẻ: “Trước khi đến Đà Nẵng, tôi được bạn bè giới thiệu nhiều về việc đi xích-lô ngắm thành phố và tôi đã không bỏ qua cơ hội này. Một cảm giác rất thích thú khi được thong thả đi dạo bên bờ sông Hàn và nhìn ngắm cuộc sống của người dân bản địa”.

Gần 10 năm gắn bó với nghề xích-lô du lịch, anh Trần Phú Hùng, tổ 3, Đội xích-lô du lịch Đà Nẵng cho biết, ngoài việc chạy xe theo tour của các hãng lữ hành, các thành viên còn đón khách lẻ tại địa bàn của tổ được phân công. Song, các thành viên cũng gặp một số khó khăn vì không có trình độ ngoại ngữ. Nhờ sự hỗ trợ của đơn vị quản lý nên các thành viên trong đội được tập huấn về ứng xử văn minh với du khách, được học các khóa ngoại ngữ ngắn hạn như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn…

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Đội trưởng đội xích-lô, thỉnh thoảng có khách phàn nàn về ứng xử của lái xe, đội đều tìm hiểu và nhắc nhở lái xe, đồng thời phản hồi với khách. Đội luôn giữ tiêu chí bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng môi trường du lịch ngày càng văn minh, thân thiện, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng đến với du khách trong nước và quốc tế.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, tạo sự gần gũi, thân thiện khi khách đến với Đà Nẵng. Dù đã triển khai được một số việc nhưng vẫn còn một số những “hạt sạn” khi ứng xử với du khách. Vì thế, ngành sẽ nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai các hoạt động như chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”; quảng bá, tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử du lịch không chỉ tại các cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch mà còn với những người làm dịch vụ nhỏ lẻ, người dân địa phương và cả với du khách.

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

Nguồn: Báo Đà Nẵng