Bắc Ninh với kinh nghiệm triển khai dự án cải thiện môi trường làng nghề

Cập nhật: 11/08/2008
Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 32 làng nghề truyền thống. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề mang đậm nét đặc thù của các hoạt động sản xuất theo ngành nghề, loại hình sản phẩm, tác động trực tiếp tới môi trường nước, không khí và đất trong khu vực dân sinh.

Nhân Hội thảo quốc tế "Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại Việt Nam" do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Bắc Ninh đã truyền đạt đến các đại biểu kinh nghiệm triển khai dự án cải thiện môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh...

Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường, ông Trịnh Văn Phường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh cho biết:

- Năm 2006, Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi và Tổ chức Phát triển thế giới (DWW) của Chính phủ Cộng hòa Séc, Canada triển khai dự án "Cải thiện môi trường làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê", lựa chọn và triển khai xây dựng mô hình xử lý nước thải tại thôn Đào Xá, xã Phong Khê, huyện Yên Phong với công suất 120m³/ngày đêm. Chỉ sau hơn 6 tháng chuyển giao công nghệ, công trình xử lý nước thải đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam, đảm bảo tái sử dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

 

Trước đây, làng nghề tái chế giấy Phong Khê thải ra môi trường một lượng nước thải là 5.000m³/ngày, hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước vượt TCCP Việt Nam gấp nhiều lần và là nỗi kinh hoàng của người dân. Khu vực nào phải gánh chịu trước tiên hệ quả này, thưa ông?

-  Kết quả điều tra khảo sát của Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh tại khu vực này cho thấy, nước thải tại làng nghề Phong Khê có hàm lượng chất hữu cơ khá cao, hàm lượng chất thải rắn lơ lửng vượt TCCP từ 1,8 - 4,1 lần. Đặc biệt, nước thải từ bể ngâm kiềm có độ pH vượt TCCP 1,4 lần. Do phải nhận nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy tái chế xã Phong Khê chứa nhiều chất hữu cơ, hóa chất, phẩm mầu, chất tẩy rửa đã làm cho dòng sông Ngũ Huyện Khê là một nhánh nối với sông Cầu đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo điều tra sức khỏe của người dân tại làng giấy tái chế cho thấy trung bình Trạm y tế xã tiếp nhận hàng chục ca khám bệnh và mua thuốc mỗi ngày. Các bệnh thường gặp là da liễu, hô hấp, đường ruột, tuổi thọ trung bình của người dân làng nghề chỉ đạt xấp xỉ 60 tuổi, thấp hơn trung bình khu vực gần 10 tuổi.

 

Với kinh nghiệm 3 năm thực hiện dự án, vậy theo ông, để xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề cần phải hội tụ những tiêu chí gì?

- Theo tôi, để dự án được triển khai có hiệu quả, trước hết phải tạo được sự đồng thuận và nhất trí cao về chủ trương của các cấp lãnh đạo. Việc sàng lọc, lựa chọn đối tượng tiếp nhận dự án phù hợp giữa nhu cầu thực tế và mô hình công nghệ đã được chuyển giao từ phía bạn là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của mô hình. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện dự án được tiến hành thường xuyên. Hoạt động tập huấn, đào tạo hướng dẫn kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng hệ thống thiết bị kỹ thuật cũng cần được chú trọng.

 

Đó có phải là những kinh nghiệm "vàng" mà Bắc Ninh "đem" đến tại buổi Hội thảo ngày hôm nay?

- Đúng. Tôi hy vọng, với bài tham luận trình bày tại Hội thảo "Kinh nghiệm triển khai dự án cải thiện môi trường làng nghề của Cộng hòa Séc và Canada trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh", có thể giúp các địa phương giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay bằng cách mà chúng tôi đã làm và đã thành công.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường