Vấn đề môi trường đối với du lịch Tây Thiên và Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên

Cập nhật: 22/08/2008
Khu di tích danh thắng Tây Thiên nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo. Nhờ những bàn tay tài hoa của con người tạo dựng từ xưa đến nay, Tây Thiên đã trở thành khu di tích danh thắng nổi tiếng về nhiều mặt.

Nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích tín ngưỡng lâu đời, một trung tâm Phật giáo của vùng Bắc Bộ, vừa có phong cảnh đẹp, núi non điệp trùng bao chứa một quần thể thiên nhiên đa dạng, giàu tiềm năng du lịch.

Đã từ lâu, Tây Thiên trở thành một điểm hành hương nổi tiếng của các du khách và Phật tử trong vùng và trong cả nước. Hằng năm, cứ mỗi mùa lễ hội có hàng vạn du khách và Phật tử về đây hành hương, tế lễ. Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cho khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên với tổng diện tích 3, 8ha. Thiền viện nằm trong quần thể di tích danh thắng Tây Thiên.

Như chúng ta đã biết, phát triển du lịch đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, hơn thế nữa, du lịch còn được xem như một cầu nối đem đến cho xã hội tình hữu nghị, sự hiểu biết văn hoá lẫn nhau và xoá bỏ những rào cản giữa các dân tộc, làm cho mọi người gần gũi nhau hơn. Để khai thác tốt tiềm năng du lịch Tây Thiên một cách bền vững, trước hết cần phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường của du lịch lên hàng đầu. Bởi vì sự phát triển du lịch phụ thuộc rất lớn vào chất lượng môi trường, hay nói cách khác, chất lượng môi trường quyết định sự phát triển du lịch, chất lượng môi trường là yếu tố hàng đầu hấp dẫn khách du lịch.

1. Sơ lược về hiện trạng môi trường khu di tích danh thắng Tây Thiên và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Khu di tích danh thắng Tây Thiên và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo là khu bảo tồn thiên nhiên của quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ngoài ra, khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo còn có nhiệm vụ bảo tồn các nguồn gien các loài thực vật, động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài đặc hữu và cảnh quan thiên nhiên. Theo kết quả nghiên cứu của Hội Các vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, ở Tam Đảo có trên 904 loài thực vật thuộc 478 chi, 213 họ, với 3 ngành: thông đất, thân đốt, dương xỉ, hạt trần và hạt kín. Một số loài chỉ còn số lượng ít như: kim tuyến, vù hương, dẻ tùng sọc trắng, trầm hương...

Hệ động vật ở Tam Đảo rất phong phú về thành phần loài với tổng số 840 loài gồm: 64 loài thú, 240 loài chim, 75 loài bò sát, 28 loài ếch nhái, 434 loài côn trùng.

Về chất lượng môi trường. Theo số liệu lưu trữ và khảo sát trong 3 năm gần đây, chất lượng môi trường không khí khu vực Vườn Quốc gia Tam đảo và khu di tích danh thắng Tây Thiên nhìn chung còn tương đối tốt, các chỉ tiêu ô nhiễm dưới mức cho phép nhiều lần.

Môi trường mặt nước chưa có dấu hiệu ô nhiễm, tuy nhiên một số chỉ tiêu có nồng độ tương đối cao tiệm cận với mức cho phép, nhưng trong ba năm gần đây có chiều hướng suy giảm.

Những hoạt động thương mại nhằm phục vụ khách du lịch như: mua bán đồ lưu niệm, các dịch vụ ăn nhanh, hoạt động cúng tế hương khói đã thải ra môi trường khu du lịch một lượng chất thải rắn tương đối lớn là nguyên nhân chủ yếu làm cho môi trường bị ô nhiễm. Đặc thù chất thải rắn khu du lịch Tây Thiên gồm các loại vỏ hộp đựng đồ uống của du khách như: chai lọ thủy tinh, đồ hộp kim loại, túi nilon... vứt rải rác trong khu du lịch. Lượng rác này chiếm khoảng 30% và khó phân huỷ trong thời gian dài. Chất thải còn lại là loại rác thải hữu cơ như: đồ ăn thừa, vỏ hoa quả, chiếm 70%. Loại rác này tuy dễ phân hủy song gây mùi hôi, xú uế. Mặt khác, loại rác này có thể gây ô nhiễm nguồn nước mặt của các dòng suối và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu di tích danh thắng. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc chưa có biện pháp thu gom và xử lý rác thải. Mỗi tuần lễ, những người dân nơi đây tự tổ chức thu gom tập trung ngoài bìa rừng sau đó tiến hành đốt. Biện pháp này không bền vững và rất nguy hiểm đối với vấn đề bảo vệ rừng.

2. Tác động của du lịch đối với môi trường Tây Thiên - Tam Đảo

Tiềm năng du lịch danh thắng Tây Thiên và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là rất lớn. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh, thu hút đông đảo Tăng ni, Phật tử trong tỉnh và ngoài tỉnh về nghe giáo lý đạo Phật, đồng thời tăng thêm nguồn khách du lịch vào mùa lễ hội. Sự có mặt của khách du lịch càng đông thì sự tác động lên môi trường càng lớn:

Tác động đến tài nguyên nước: Phát triển du lịch và những hoạt động liên quan kéo theo chủ yếu nhằm phục vụ thoả mãn nhu cầu của du khách. Những hoạt động này đã và đang làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và suy thoái. Những hoạt động sinh hoạt của khách như: vứt rác, phóng uế bừa bãi làm mất mỹ quan gây mùi hôi thối, làm cho các dòng suối vẩn đục và mất đi cảm giác linh thiêng thơ mộng chốn bồng lai. Việc san lấp xây dựng dẫn đến thay đổi cấu trúc địa tầng cùng với sự ô nhiễm nguồn nước mặt, lượng rác thải không được xử lý triệt để là những nguyên nhân chủ yếu trực tiếp làm cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và suy giảm.

Tác động đến tài nguyên không khí: Việc phát triển du lịch ở danh thắng Tây Thiên đã có nhiều tác động tiêu cực đến bầu không khí xung quanh. Hoạt động của các phương tiện giao thông, hoạt động cúng tế, hương khói, hoạt động vui chơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua bán hàng hoá lưu niệm là những nguyên nhân đáng kể gây ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng các chỉ số ô nhiễm như: khí SO2, CO, H2S, đặc biệt là tiếng ồn làm cho nơi đây mất sự thanh tịch, hoang sơ.

Tác động đến tài nguyên sinh thái: Việc mua bán và sưu tầm các loại hoa lan rừng, cây cảnh, khắc tên lên cây làm tác động tiêu cực lên các thảm thực vật. Nhu cầu mua bán các loài động thực vật hoang dã làm cảnh hoặc giết thịt sẽ làm suy giảm đa dạng sinh học của hệ động vật. Những hoạt động này đã làm cho nhiều động thực vật quý hiếm của vùng Tây Thiên - Tam Đảo bị săn bắt và tiêu diệt.

Tác động đến môi trường tài nguyên nhân văn: Phát triển du lịch sẽ làm tăng thu nhập cho dân địa phương, tạo môi trường giao lưu văn hoá. Sự phát triển mạnh của du lịch sẽ làm thay đổi một số hệ giá trị như tư cách cá nhân, quan hệ gia đình, lối sống bản địa và cả lễ nghi truyền thống khi mà người dân địa phương trực tiếp hay gián tiếp quan hệ tiếp xúc với du khách. Sự tác động này nằm ở hai xu hướng, có khả năng làm suy thoái văn hoá truyền thống, thương mại hoá các hoạt động lễ hội, làm mất vẻ đẹp văn hoá truyền thống của địa phương, hoặc có khả năng làm phong phú thêm bản sắc văn hoá truyền thống của địa phương, làm cho vùng danh thắng du lịch thêm nổi tiếng.

3. Một số giải pháp định hướng nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động du lịch đối với Tây Thiên và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Danh thắng Tây Thiên là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá được thiên nhiên ban tặng, chúng ta phải biết giữ gìn và bảo vệ, khai thác tiềm năng nơi đây một cách hợp lý, bền vững. Từ đặc thù của Tây Thiên - Tam Đảo, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp định hướng nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường khu danh thắng Tây Thiên như sau:

Giải pháp về tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường: Coi giải pháp về tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường là quan trọng hàng đầu. Công tác giáo dục tuyên truyền bảo vệ môi trường giúp cho các đối tượng tham gia hiểu được giá trị của khu di tích danh thắng Tây Thiên, nhận thấy được các vấn đề môi trường quan trọng đối với môi trường du lịch, biết được hậu quả suy thoái tài nguyên khi con người khai thác không hợp lý. Từ những kiến thức và kỹ năng phù hợp có thể có những hành vi đối xử thân thiện với môi trường tự nhiên.

Giải pháp về tổ chức quản lý và cơ chế chính sách: Việc tổ chức quản lý điều hành hoạt động khu du lịch Tây Thiên là một trong những giải pháp quan trọng. Sự quản lý chặt chẽ và hợp lý sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững và làm cho danh thắng nổi tiếng có sức thu hút và lôi cuốn khách du lịch khắp mọi nơi. Hiện tại, Tây Thiên đã có Ban Quản lý Di tích Danh thắng Tây Thiên. Cần phát huy tốt nhiệm vụ quản lý khu vực Tây Thiên bằng các cơ chế chính sách, đặc biệt về bảo vệ môi trường cho khu vực này. Kết hợp mô hình quản lý nhà nước với cộng đồng dân cư địa phương. Huy động nhân dân địa phương tham gia thu gom rác thải và hưởng lợi từ hoạt động phát triển du lịch của vùng. Xây dựng những quy chế, nội quy chặt chẽ cho nhân dân địa phương và khách du lịch, từ đó quản lý phát triển du lịch theo luật pháp Nhà nước, làm tăng thêm niềm tin vào sự linh thiêng của khu di tích danh thắng Tây Thiên.

Tỉnh Vĩnh Phúc nên có một cơ chế tài chính phù hợp và tăng cường đầu tư hơn nữa cho vấn đề bảo vệ môi trường ở Tây Thiên.

Giải pháp kỹ thuật: Đây cũng là giải pháp quan trọng trong việc giảm thiểu nguồn chất thải và xử lý ô nhiễm. Cần đề xuất một số phương án về thu gom và xử lý rác thải, nước thải hợp vệ sinh đảm bảo môi trường luôn trong lành. Nên thành lập một đội chuyên trách có đủ nguồn lực để thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi xử lý hợp vệ sinh. Cần quan tâm quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng một cách phù hợp với vị trí địa lý của khu du lịch, tránh tình trạng xây dựng lộn xộn tự phát, không đồng nhất vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa làm ảnh hưởng tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc