Nguy cơ ô nhiễm nước thải từ tàu du lịch tại vịnh Hạ Long - đề xuất giải pháp khắc phục

Cập nhật: 04/05/2018
Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam được tổ chức UNESCO hai lần công nhận và cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2017, số lượng khách du lịch tới Quảng Ninh là 9,87 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm 2016, đem lại doanh thu khoảng 17.885 tỷ đồng. Các hoạt động du lịch đã mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững.

Tàu du lịch vịnh Hạ Long

Nguy cơ ô nhiễm nước từ hoạt động của tàu du lịch

Theo Ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long, hiện có 505 tàu du lịch đăng ký hoạt động trên vịnh, trong đó có 476 tàu hoạt động thường xuyên, số còn lại đang sửa chữa, một số đã ngừng hoạt động. Tổng lượng nước thải từ các tàu du lịch trên vịnh ngày và đêm là 502 m3/ngày, trong khi đó, nước thải từ hoạt động sinh hoạt của mỗi hành khách trên tàu là 20 l/ngày, nước thải từ hành khách trên tàu qua đêm là 250 l/ngày. Lượng nước thải từ tàu gây ô nhiễm môi trường nước trong vịnh.  Ô nhiễm nguồn nước do các tàu du lịch chủ yếu xuất phát từ nước thải, nước xám, nước đáy tàu dầu. Trong đó, nước thải từ các tàu còn được gọi là “nước đen” là chất thải cơ thể con người, các chất thải từ nhà vệ sinh; nước xám xuất phát từ bồn rửa, bồn tắm, vòi sen, máy giặt và bông; nước đáy tàu nhờn là hỗn hợp của nước, chất lỏng nhờn tích tụ ở phần thấp nhất của một con tàu từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả động cơ.

Theo quy định về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh (Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND), tất cả tàu phải trang bị thiết bị phân ly dầu nước, hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy; tàu lưu trú lắp động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính, hay phụ có tổng công suất lớn hơn 220 kw phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước. Tuy nhiên, hiện chỉ có 10% tàu du lịch trên vịnh có hệ thống xử lý nước thải (XLNT), còn lại tới 90% là tàu cũ đóng theo truyền thống (thuyền buồm), nên không thể lắp đặt thêm hệ thống thu gom, XLNT, nhất là dầu thải trong quá trình chạy máy. Thực tế trên cho thấy, các tàu du lịch vẫn còn lạc hậu do sự phát triển manh mún từ xưa. Để khắc phục vấn đề này, cần phải chờ các tàu cũ hết niên hạn và đổi tàu mới.

Được biết, Quảng Ninh hiện đang áp dụng niên hạn 15 năm đối với tàu du lịch vỏ gỗ và 25 năm đối với tàu vỏ thép, trong khi quy định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là 20 năm đối với tàu vỏ gỗ và 30 - 35 năm đối với tài vỏ thép. Hiện các chủ tàu không thể lắp thiết bị phân ly dầu nước mà chỉ có thể xử lý theo cách thủ công là lắp đặt thùng thu gom nước thải để đưa lên bờ xử lý. Tuy nhiên, theo Báo cáo của vịnh Hạ Long, mặc dù, tỉnh Quảng Ninh đã quy định 100% các tàu du lịch cần tách nước thải, mang về hệ thống thu gom tại cảng để xử lý... nhưng tình trạng "thải trộm" và “thiếu hệ thống thu gom” vẫn xảy ra.

Tăng cường các giải pháp xử lý nước thải

Để XLNT từ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, nhiều sáng kiến, dự án nhằm đảm bảo môi trường nước vịnh đã được triển khai, điển hình như sáng kiến dán nhãn “Bông sen xanh” cho tàu du lịch đạt tiêu chuẩn về XLNT và rác thải do Công ty CP Xây dựng công trình giao thông và cơ giới (HTM)  triển khai thực hiện. Hiện nay, việc dán nhãn đang trong quá trình thử nghiệm, dự kiến sẽ áp dụng cho tất cả các tàu trong thời gian tới. Ngoài ra, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã đề xuất một dự án XLNT cho tàu du lịch trên vịnh Hạ Long với tổng vốn đầu tư ban đầu là 3,1 triệu USD (bao gồm: 12 tàu thu gom trên biển là 1,2 triệu USD, trang thiết bị lắp tại cảng là 600 nghìn USD, các trạm XLNT tại cảng là 800 nghìn USD và trang thiết bị cho các tàu là 500 USD). Tuy nhiên, theo tính toán, mỗi tàu thu gom trên biển tối đa cũng chỉ có thể thu gom cho 10 du thuyền, với 500 du thuyền như hiện nay, đội tàu thu gom sẽ phải gấp 5 lần con số mà IUCN đưa ra.

Bên cạnh việc triển khai những sáng kiến, dự án, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ mới và hợp tác quốc tế về BVMT. Theo đó, chú trọng ửng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong XLNT trên vịnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT; tăng cường cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống XLNT, hỗ trợ vốn vay ổn định với lãi suất bằng không, hoặc với lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra,  BQL vịnh Hạ Long cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện các điều kiện về môi trường, trong đó, thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long theo định kỳ 1 lần/quý; tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát thực tế việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT, nhằm phát hiện và ngăn chặn nguồn thải từ khu dân cư và hoạt động kinh tế - xã hội ảnh hưởng tới môi trường nước vịnh…

Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ việc vận hành và sử dụng các thiết bị phân ly dầu nước trên các tàu du lịch, đẩy mạnh nghiên cứu các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, mở rộng tuyến du lịch xuống khu vực vịnh Bái Tử Long, triển khai phương án giãn tuyến, phân tải khách tại các tuyến, điểm tham quan trên vịnh Hạ Long, nhằm giảm áp lực lên chất lượng môi trường tại khu vực vùng lõi Di sản; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ Di sản như xây dựng, phát hành những ấn phẩm (tờ rơi, tài liệu, băng đĩa hình, trang web về vịnh Hạ Long…); phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Người cao tuổi… trong tuyên truyền BVMT nước vịnh cũng như giám sát việc thực hiện công tác BVMT; thường xuyên ra quân thu gom rác thải ven bờ và trên mặt nước; tiếp tục triển khai thực hiện giáo dục bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trong các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TP. Hạ Long. 

Phạm Thị Huế

Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Nguồn: Tạp chí môi trường