Quảng Nam bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 07/06/2018
Quảng Nam hiện được coi là địa phương phát triển du lịch mạnh trong khu vực miền Trung, thu hút nhiều dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển trải dài từ thành phố Hội An đến huyện Núi Thành.

Trong những ngày đầu tháng 6/2018, các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm túi nilon và sản phẩm từ nhựa. Đây là việc làm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2018. 

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa gồm chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn… cùng chất gây ô nhiễm khác đã và đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe con người. Vì vậy, chính quyền tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường kêu gọi người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng sản phẩm nhựa và túi nilon, từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ môi trường. 

Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, bình quân mỗi hộ đang thải ra môi trường ít nhất 1-3 túi nilon/ngày ở khu vực đô thị. Tại vùng nông thôn, do không được thu gom, tình trạng rác vứt bừa bãi ra bìa rừng, sông suối, đồng ruộng còn khá phổ biến. Nhiều con suối trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm nặng do rác thải, đặc biệt là từ túi nilon, sản phẩm nhựa mà con người đổ xuống. 

Đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, cách đây gần 10 năm (tháng 5/2009), trước khi phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon”, nguồn rác thải sinh hoạt của người dân đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh và xuống biển, rác từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản, rác từ đất liền với nhiều loại túi nilon theo sóng tấp vào bãi biển… 

Tháng 5/2009, UBND xã Tân Hiệp phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” trên cơ sở vận động sự đồng thuận của người dân Cù Lao Chàm, triển khai bài bản hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, hỗ trợ giải pháp thay thế nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu, tiến đến không sử dụng túi nilon một cách tự giác trên toàn đảo Cù Lao Chàm. 

Có thể xem Cù Lao Chàm là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công việc kiểm soát được loại rác thải này. Việc triển khai thực hiện thành công chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” đã góp phần tạo tiếng vang lớn ở một khu dự trữ sinh quyển thế giới, lôi cuốn du khách đến tham quan học tập, tạo điểm nhấn đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm. 

Cụ thể, trước thời gian năm 2009, khách du lịch tới đảo đạt khoảng 32.000 người/năm nhưng từ năm 2009 đến 2017, bình quân mỗi năm khách du lịch đến tham quan Cù Lao Chàm đạt khoảng 110.000 - 150.000 người. Chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Môi trường xanh sạch đẹp thu hút du khách đến tham quan, là điều kiện thuận lợi để giúp người dân phát triển các dịch vụ du lịch, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là lợi ích kinh tế bắt nguồn từ việc không sử dụng túi nilon. 

Anh Lê Duy Toàn, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Ngay khi bước chân lên đảo Cù Lao Chàm, chúng tôi ngỡ ngàng thấy một số người dân cầm túi cói chạy tới nói bỏ đồ vào đó, lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ họ đến chào hàng nhưng sau được giải thích trên đảo mọi người không sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường, chúng tôi hưởng ứng ngay. Cách làm này của người dân tạo thiện cảm với du khách, góp phần bảo vệ môi trường sống… 

Qua khảo sát của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi nilon” đã giúp 100% người dân nhận thấy môi trường xanh sạch đẹp, 85% người dân đánh giá ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao, 25% người dân nhận rõ thu nhập bình quân của mình có tăng lên khi tham gia hoạt động nói không với túi nilon. Nhờ ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, khách du lịch tới đảo đông hơn, thu nhập của người dân cũng tăng lên khi tham gia hoạt động nói không với túi nilon. 

Từ cách làm, kinh nghiệm trong triển khai hoạt động nói không với túi nilon ở đảo Cù Lao Chàm cho thấy, chính quyền đóng vai trò quan trọng nhưng trong công tác thực hiện, người dân lại là yếu tố then chốt, quyết định thành công hay thất bại. Vì vậy, ở Cù Lao Chàm đã xây dựng được mối quan hệ đồng thuận giữa người dân và chính quyền để cùng phối hợp thực hiện. Người dân có trách nhiệm tuân thủ quy định chính quyền và người dân đã thống nhất đề ra. Đây được coi là bài học kinh nghiệm để Quảng Nam triển khai nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh. 

Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai nhiều loại hình du lịch, đồng thời thu hút các dự án đầu tư khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển trải dài từ thành phố Hội An đến huyện Núi Thành. Do đó, việc giải bài toán về bảo vệ môi trường nói chung và hạn chế sử dụng túi nilon là việc làm rất khó cho ngành Du lịch, chính quyền địa phương… Ông Nguyễn Ngọ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết: Mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 1.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó tỷ lệ rác thải là túi nilon, sản phẩm từ nhựa chiếm hơn 10% tổng lượng rác thải. 

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom, xử lý khoảng 610 tấn/ngày. Việc thu gom, vận chuyển rác thải tại các huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng và trung du hiện chỉ có Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam và Công ty Cổ phần Công trình công cộng Hội An đảm nhiệm, các huyện miền núi do địa phương vận động thu gom, xử lý tại chỗ. Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu bằng cách chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý bằng lò đốt và xử lý rác thải làm phân hữu cơ. 

Trước thực trạng nguồn rác thải đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ngành chức năng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều chiến dịch, hoạt động tái chế, tái sản xuất, tái sử dụng chất thải nhựa; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở bờ biển, bờ sông; thực hiện giải pháp ngăn ngừa xâm nhập mặn, bảo đảm tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Ngoài ra, các địa phương tăng cường hoạt động kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển, trên các xã đảo, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon, từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Đặc biệt, Quảng Nam áp dụng biện pháp nghiêm khắc đối với cơ quan, doanh nghiệp vi phạm quy định của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. 

UBND tỉnh Quảng Nam đang rà soát, đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường đối với các dự án, loại hình kinh doanh, sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nhằm lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, kiên quyết không cấp phép đầu tư đối với dự án không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường…

Nguồn: TTXVN