Đà Nẵng: Xây dựng thành phố xanh, hiện đại và đáng sống

Cập nhật: 13/06/2018
Chiều 11/6, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Quy hoạch TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia quy hoạch, kinh tế trong và ngoài nước.

Quang cảnh hội thảo

Những năm qua, TP. Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò đầu tàu của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và có khả năng kết nối khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, tăng trưởng của Đà Nẵng đang chậm lại và có dấu hiệu tụt hậu so với một số tỉnh, thành phố; đô thị hóa nhanh khiến cạn kiệt quỹ đất để phát triển không gian công cộng, giao thông...

Theo dự thảo quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu trở thành thành phố xanh, hiện đại - thông minh, mang tính toàn cầu và có bản sắc. Trong đó, bao gồm thành phố có môi trường xanh, sản xuất xanh và lối sống xanh, thích ứng cao với biến đổi khí hậu; có khả năng và sức hút kết nối toàn cầu; có bản sắc riêng đáng sống và đáng nhớ.

Đà Nẵng đặt ra mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đạo hóa dựa trên nền tảng của Cách mạng công nghệ 4.0 với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý hiện đại; hình thành lối sống đẹp và đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Thành phố đưa ra mục tiêu tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2018-2030 đạt từ 9 đến 11%/năm; nâng tỷ trọng GDRP của Đà Nẵng trong cả nước đạt từ 2,3 đến 2,9% (hiện nay là 1,55%). Đời sống của người dân được nâng cao, GRDP/người đạt từ 7.000 đến 9.000 USD (tính theo giá hiện hành năm 2016).

Chính quyền Đà Nẵng cũng tiếp tục thực hiện chương trình thành phố "5 không, 3 có", "4 an"; chăm sóc sức khỏe người dân; phổ cập trung học phổ thông, trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao của Việt Nam.

Thành phố cần tạo thêm quỹ đất mới thuận lợi cho quy hoạch các khu đô thị đặc trưng

Về môi trường, thành phố phấn đấu đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn; 100% nước thải nguy hại được xử lý; giảm một nửa tỷ lệ nước thải đô thị chưa qua xử lý. Xây dựng hệ thống thông tin điện tử về quản lý đất đai trên toàn thành phố. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%,...

Thành phố sẽ mở rộng liên kết vùng, kết nối thành phố với các vùng phụ cận để tạo ra không gian phát triển đô thị. Phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng đô thị nén. Quy hoạch Vịnh Đà Nẵng thành "đô thị biển" mang tính chất độc đáo về một đô thị trên biển.

Để thực hiện có kết quả các mục tiêu phát triển theo quy hoạch, các đại biểu đề xuất tập trung vào 3 nhóm chính sách và giải pháp chủ yếu: Xây dựng chính sách đồng bộ tạo động lực thu hút đầu tư kinh doanh nhằm tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ đối với các lĩnh vực Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh; kiến nghị Trung ương chính sách khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị sáng tạo gắn với Khu công nghệ cao; kiến nghị Chính phủ thành lập “Ban quản lý khai thác cụm Cảng biển Đà Nẵng”.

TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch đang làm việc tại Bắc Mỹ), cho rằng: Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng điều quan trọng lãnh đạo thành phố cần nhìn những bài học của các thành phố lớn về hạ tầng, ngập nước, kẹt xe…để phát triển một cách bền vững. Trong tương lai thành phố cần tạo thêm quỹ đất mới thuận lợi cho quy hoạch các khu đô thị đặc trưng.

“Khi quy hoạch nhà cao tầng phải phát triển đi đôi với phát triển giao thông công cộng, khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng để đi lại. Ngoài ra, chính quyền Đà Nẵng cần quan tâm giữ một tỷ lệ nhất định, ít nhất là 30-40% cho cây xanh mặt nước, một mặt giữ cho Đà Nẵng tăng trưởng xanh và không bị ngập trong tương lai, không gian xanh bản sắc phục vụ cho người dân trong tương lai”- TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị.

Lan Anh

Nguồn: TN&MT