Ứng phó biến đổi khí hậu: Giải quyết thách thức để phát triển bền vững

Cập nhật: 31/08/2018
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của Việt Nam, không chỉ làm chậm lại mà còn đe dọa tổn hại các thành quả phát triển kinh tế xã hội trong nhiều năm qua. Vấn đề này được nhấn mạnh trong Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam do Bộ KH&ĐT vừa công bố. Theo đó, ứng phó hiệu quả với BĐKH và thiên tai là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản thông thường.
Ảnh: Hoàng Minh

Hoàn thiện hệ thống chính sách và tổ chức về BĐKH

Xác định ứng phó BĐKH không phải công việc trong một sớm một chiều, Chính phủ đã lồng ghép nội dung này xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Sắp tới, đây cũng chính là một ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 của Việt Nam, góp phần cụ thể hóa mục tiêu thứ 13 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

Theo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, từ đầu thập kỷ 90, Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế về khí hậu, khởi đầu tiến trình hoàn thiện hệ thống chính sách và tổ chức khá đồng bộ nhằm ứng phó với BĐKH.

Những văn bản định hướng quan trọng nhất là Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia Tăng trưởng xanh, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về PTBV Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Năm 2016, Việt Nam cùng hơn 80 quốc gia trên thế giới chính thức thông qua Thỏa thuận Paris về BĐKH, với quyết tâm “Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) so với kịch bản thông thường, trong đó: Giảm 20% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm 2010; tăng độ che phủ rừng lên 45%. Mức đóng góp 8% ở trên có thể được tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế”.

Tăng độ che phủ rừng lên 45%. Ảnh: MH

Từ đây, các chính sách trên tiếp tục được hỗ trợ bằng những chương trình có trọng tâm về BĐKH, xác định mục tiêu có tính bao trùm lớn, như: Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; đề án quản lý phát thải KNK, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới…

Các vấn đề ứng phó BĐKH đã được luật hóa bằng nhiều văn bản luật cụ thể: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn. Luật Bảo vệ môi trường đã đề ra quy định lồng ghép sâu rộng các yêu cầu về ứng phó với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để có cơ sở thực hiện, Việt Nam đã xây dựng và liên tục cập nhật các kịch bản về tác động của BĐKH và nước biển dâng, mức độ chi tiết đến đơn vị hành chính cấp tỉnh và các đảo, quần đảo. Tùy theo chức năng nhiệm vụ, các Bộ ngành đã xây dựng Kế hoạch Hành động ứng phó với BĐKH nhằm cụ thể hóa các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia.

Đặc biệt, Ủy ban Quốc gia về BĐKH đã được thành lập để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai ứng phó BĐKH ở Việt Nam. Ngoài Bộ TN&MT là cơ quan quản lý Nhà nước về BĐKH, hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đều đã có cơ quan, đơn vị chuyên trách về BĐKH. Các chủ trương, chính sách về BĐKH đã được Chính phủ ban hành đồng bộ, có hệ thống, là định hướng quan trọng cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

Giải quyết các thách thức nội tại

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, khi hội nhập sâu rộng hơn, Việt Nam cũng dễ bị tác động bởi những biến động của kinh tế thế giới, biến động về môi trường, xã hội và nhiều thách thức phi truyền thống khác… Cộng hưởng với ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu càng làm tăng áp lực cho quá trình phát triển bền vững. Theo tính toán của các Bộ ngành, từ nay đến năm 2030, dự kiến Việt Nam sẽ phải chi gần 30 tỷ USD để khắc phục những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Vấn đề hiện nay là tư duy, giải pháp ứng phó BĐKH ở nước ta chưa có nhiều đột phá. BĐKH là vấn đề liên vùng, tuy vậy, cách tiếp cận hiện nay vẫn phổ biến theo tư duy địa giới hành chính. Các giải pháp thích ứng với BĐKH thường được đề xuất một cách riêng biệt cho từng lĩnh vực, vùng miền mà không mang tính tích hợp nhằm tăng cường tính chống chịu của các đối tượng bị tác động như SDG 13 đề cập.

Hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó với BĐKH còn thiếu, dẫn đến hạn chế trong lồng ghép yếu tố BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Nguồn lực đầu tư ứng phó BĐKH vẫn còn dựa nhiều vào ngân sách Trung ương, trong khi bố trí ngân sách mới đạt 71% so với tổng vốn nhu cầu, do đó, một số mục tiêu đặt ra không đủ điều kiện hoàn thành.

Với tính chất nhiệm vụ ngày càng phức tạp, vai trò quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu ở Trung ương và địa phương phải được tăng cường trong thời gian tới. Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), để giải quyết các thách thức, cần nâng cao năng lực tổ chức và đội ngũ hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, tập trung xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định kỹ thuật về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Trước mắt, Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Trong năm nay, Bộ TN&MT phối hợp cùng các Bộ ngành sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam (NAP); hoàn thành việc rà soát cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC), góp phần thực hiện Kế hoạch Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Cần khẩn trương xây dựng bộ cơ sở dữ liệu liên ngành và thống nhất cơ chế phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh cập nhật các thông tin, dữ liệu mới nhất ở trong nước và quốc tế. Từ đó, các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở phối hợp chặt chẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đặc biệt là thực hiện các dự án, nhiệm vụ về biến đổi khí hậu.

Thông qua Chương trình Mục tiêu Ứng phó biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, cần tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả hơn các nhiệm vụ về phổ biến, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các đối tượng liên quan từ Trung ương đến địa phương, đồng thời, xem xét lồng ghép nội dung đó vào các hội nghị, hội thảo có liên quan thông qua các dự án, nhiệm vụ khác về biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán quốc tế, tập trung đề xuất nội dung những dự án mang tính khả thi cao phù hợp với Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris mà các đối tác quốc tế quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho các nhiệm vụ về ứng phó biến đổi khí hậu.

Khánh Ly

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn