Phú Yên:Lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia Quần thể cổ mộ A Man

Cập nhật: 20/03/2019
Tại triền phía nam núi A Man thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An có 500 ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều bí ẩn cần được giải mã. Đâylà một di tích khảo cổ độc đáocần được gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo, lưu giữ muôn đời sau.

Quần thể di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc - tâm linh khu vực chùa Châu Lâm

500 ngôi mộ cổ có bốn dạng: loại hình yên ngựa (kiều ngựa), loại hình mai rùa, loại hình mái nhà, loại hình búp sen; trong đó loại hình yên ngựa chiếm đa số.Trên trụ biểu nhiều ngôi mộ có một số vết tích nét khắc chữ Hán, nhưng hầu hết nét chữ bị bào mòn, không nhận biết được, cùng những hoa văn trang trí tinh xảo thể hiện hình tượng tứ bình, tùng hạc, mặt trời, mây mác, hoa sen, dây lá. Tất cả bia mộ đều bị đục phá, không để cho thế hệ sau biết danh tánh những người dưới mộ. Có người cho rằng, đó là khu mộ cổ của bà con người Chăm, lại có người nói đó là khu mộ cổ của bà con người Hoa.
 

Chùa cổ Châu Lâm

Tuy nhiên, khảo sát ban đầu cho thấy, 500 ngôi mộ này không có một yếu tố nào thuộc về văn hóa mộ táng của người Chăm và người Hoa, mà hoàn toàn là văn hóa mộ táng của người Việt. 500 ngôi mộ cổ có 4 kiểu dáng nhưng đều có hình dáng khác nhau, không ngôi mộ nào giống ngôi mộ nào, quy mô từng ngôi mộ tùy thuộc vào vị trí xã hội của người nằm dưới mộ lúc sinh thời. 500 ngôi mộ cổ là lực lượng của chúa Nguyễn Ánh trong những trận chiến khốc liệt với nhà Tây Sơn từ năm 1793-1801.
 

Minh bia hòa thượng Liễu Quán (1667-1742) vị cao tăng người làng Quảng Đức
mở ra thiền phái phật giáo xứ Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào) thế kỷ XVIII

Trong 8 năm (1793-1801), Phú Yên là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc tương tranh giữa hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Chiến trường trọng tâm là cửa biển Xuân Đài, dọc dòng sông Cái và Bảo (đồn đắp bằng đất) LaThai (La Hai). Phú Yên thay ngôi đổi chủ liên tục giữa hai lực lượng tương tranh. Trong các trận chiến khốc liệt đó, các tướng tá của chúa Nguyễn Ánh tử trận được bí mật chôn cất trên núi A Man soi xuống dòng sông Cái, đầu hướng về Nam để vọng về nhà vua và căn cứ địa ở Gia Định, Diên Khánh. Đại bộ phận tướng tá bỏ mình được xây mộ hình yên ngựa là phương thức cách điệu da ngựa bọc thây ở sa trường.
 

500 ngôi mộ cổ tập trung phía sau chùa Châu Lâm, liền kề với Minh bia hòa thượng Liễu Quán

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Yên mời các nhà khoa học của Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ, Viện Dân tộc học, Viện Lịch sử, Viện Hán Nôm và Hội Khoa học lịch sửvề khu mộ cổ lớn nhất Việt Nam khảo sát và có kết luận khoa học để giải mã đầy đủ những thông tin về 500 ngôi mộ cổ này. Đây là di tích khảo cổ văn minh mộ táng của tiền nhân, có giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, đặc biệt là văn hóa tâm linh.

500 ngôi mộ cổ tập trung phía sau chùa Châu Lâm, liền kề với Minh bia hòa thượng Liễu Quán (1667-1742) vị cao tăng người làng Quảng Đức mở ra thiền phái phật giáo xứ Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào) thế kỷ XVIII. Quần thể di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc - tâm linh khu vực chùa Châu Lâm bao gồm chùa cổ Châu Lâm, Minh bia hòa thượng Liễu Quán và 500 ngôi mộ cổ có giá trị đặc biệt trong tiến trình lịch sử hơn 400 năm của Phú Yên.
 

500 ngôi mộ cổ có bốn dạng: loại hình yên ngựa (kiều ngựa), loại hình mai rùa,
loại hình mái nhà, loại hình búp sen, trong đó loại hình yên ngựa chiếm đa số

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng ký văn bản giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch về việc thỏa thuận hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia Quần thể cổ mộ A Man. Sau khi có ý kiến đồng thuận của Cục Di sản văn hóa, Sở lập hồ sơ khoa học di tích Quần thể cổ mộ A Man trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xem xét xếp hạng là di tích quốc gia Quẩn thể cổ mộ A Man.

Mỹ Bình

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn