Bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Cập nhật: 07/05/2020
Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân) được giao quản lý trên 23.815 ha rừng đặc dụng, trong đó có trên 5.000 ha rừng nguyên sinh là nơi phân bố các loài hạt trần quý hiếm, trong đó điển hình là quần thể cây samu, pơmu cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, đường kính tới 4m, được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Điều tra tính đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Hiện KBT được coi là trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) đại diện cho Khu vực Tây Bắc và Bắc Trung bộ.

Theo kết quả điều tra, hiện nay KBT thiên nhiên Xuân Liên có 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ IUCN (2012); hệ động vật có 1.631 loài, với 64 loài đặc hữu quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó khu hệ thú có 80 loài, với 27 loài thuộc danh lục quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa cao cần bảo vệ nghiêm ngặt, như: Gấu chó, gấu ngựa, bò tót, mang, sơn dương và các loài thú trong bộ linh trưởng như: Vượn đen má trắng, voọc xám, các loài khỉ... Đặc biệt, KBT còn là nơi phân bố số lượng quần thể lớn nhất Việt Nam với loài vượn đen má trắng, gồm 129 cá thể; trên 200 cá thể voọc xám, xác định cho khoa học sự tồn tại của loài “Mang Roosevelt” hay còn gọi là “Mang Lào” được coi đã bị tuyệt chủng gần 100 năm nay. Bên cạnh đó, KBT còn phân bố đa dạng các loài thủy sinh, đã xác định được 69 loài cá thuộc 17 họ, 6 bộ...

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc KBT thiên nhiên Xuân Liên, cho biết: Với tính ĐDSH cao như vậy từ năm 2015 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, KBT đã thực hiện thành công 9 dự án, đề tài nhằm nâng cao tính ĐDSH, như: Các đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây giống giổi ăn hạt, phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa”; “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen lan hài vân bắc, lan hài lông và lan thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung bộ”; Dự án điều tra bảo tồn các loài cu li (Nycticebusspp), loài vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys), các loài khỉ (Macaca), các loài mang (Trachypithecus barbei)... Qua đó, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, gìn giữ nguồn gen, bảo vệ có hiệu quả các loài động, thực vật, đặc biệt là các loài đặc hữu, quý hiếm tại KBT. Hiện nay, KBT lập được danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu, nghiên cứu các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý cùng các tài nguyên động, thực vật phổ biến; ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý tài nguyên và quan sát ĐDSH bằng phần mềm “Smart”, công nghệ GPS trong tuần tra, kiểm tra an ninh rừng. Bên cạnh đó, KBT đã xây dựng thành công nhiều mô hình hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển kinh tế, như: Dự án, “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây Quế Ngọc theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân”; “Phát triển đời sống thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân tộc thiểu số tại thôn Vịn, xã Bát Mọt”; các mô hình “Trồng cây chè vằng”; mô hình trồng mít ruột đỏ, vịt bầu cổ xanh... hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các bản Vịn, Thanh Xuân thuộc vùng đệm KBT. Hiện nay, các mô hình đã và đang tiếp tục được thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tham gia, nhiều sản phẩm đã được đem ra phục vụ cho thị trường... góp phần nâng cao tính ĐDSH ở KBT thiên nhiên Xuân Liên.

Khắc Công

Nguồn: Báo Thanh Hoá