Phú Thọ: Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng vườn Quốc gia Xuân Sơn

Cập nhật: 13/07/2020
Nằm ở phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn cách Hà Nội 120km, cách TP Việt Trì 80km, với diện tích rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam Vườn được ví là “lá phổi xanh”, là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ.

Homestay - Điểm đến thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng.

Nơi đây có nhiều giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên nổi bật với hệ sinh thái vô cùng phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị trong nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn nguồn gen; tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, độc đáo, những giá trị văn hoá các dân tộc Dao, Mường còn được bảo lưu. Thiên nhiên ở đây vẫn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa là điểm đến lý tưởng của du khách ưa khám phá và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi thế phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng.

Trước tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Vườn quốc gia Xuân Sơn, hiện nay tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo, định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nhằm đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, có sức thu hút hấp dẫn khách du lịch, tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch khi đến Phú Thọ, thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, đặc biệt góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải thiện đời sống của người dân ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn còn ở diện đặc biệt khó khăn, phát triển du lịch cộng đồng bền vững là phương thức xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bảo tồn được hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều vườn quốc gia, địa phương trong cả nước. Năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khu Du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia. Hiện tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã xây dựng được 8 mô hình homestay và dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn đảm bảo phục vụ khoảng trên 300 lượt khách lưu trú du lịch và 500 lượt khách phục vụ ăn uống; hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách như kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, pha chế đồ uống, chế biến và trình bầy món ăn... cho trên 200 lượt người tham gia. Xây dựng một số mô hình tạo điểm nhấn phục vụ du khách thăm quan chụp ảnh check - in điểm đến như các chòi nghỉ chân; “Cọn nước Xuân Sơn”, “Đường hoa du lịch Xuân Sơn”; biển “Du lịch Xuân Sơn”; “Đôi tượng gà nhiều cựa”...; xây dựng điểm tư vấn hỗ trợ khách du lịch gắn trưng bày, hoạt động văn hóa du lịch cộng đồng tại xóm Dù, xã Xuân Sơn; cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực xóm Dù, xã Xuân Sơn với các hạng mục bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đồng nhất tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng địa phương chung tay phát triển sinh thái cộng động... Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn bước đầu được đầu tư, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang hình thành rõ nét đã thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan trải nghiệm ước khoảng 60 ngàn lượt khách mỗi năm. 

Để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn thời gian tới cần xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn nhằm phát triển theo hướng bền vững, chú trọng đến các điểm, các làng bản có các yếu tố về cảnh quan môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh, tập trung đầu tư phát triển hoạt động du lịch cộng đồng. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động du lịch cộng đồng, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu như chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển rừng đặc dụng, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP... Trước mắt cần tập trung nghiên cứu, đầu tư hỗ trợ, xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu để học tập kinh nghiệm nhân rộng mô hình, tạo động lực thúc đẩy các hộ dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng theo một quy chuẩn nhất định.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở, kỹ thuật du lịch đồng bộ từ đường giao thông, hệ thống viễn thông, hệ thống nước sạch, hệ thống biển quảng cáo, biển chỉ dẫn, sơ đồ tuyến điểm tham quan trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, trung tâm đón tiếp khách, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các điểm dừng chân theo tuyến trong rừng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật mô hình chợ phiên, bảo tàng thiên nhiên Vườn Quốc gia Xuân Sơn, mô hình biểu tượng đặc trưng Vườn Quốc gia Xuân Sơn… nhằm hoàn thiện các điều kiện phục vụ nhu cầu của khách du lịch tại điểm đến.

Hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tổ chức dịch vụ homestay, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch với trang thiết bị phù hợp gần gũi với cảnh quan thiên nhiên; tổ chức các dịch vụ bổ trợ khác như: Dịch vụ hướng dẫn khách tham quan các tuyến trong rừng, hang động, thác nước, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương; dịch vụ tắm, ngâm chân lá thuốc người Dao, dịch vụ bán hàng lưu niệm đặc sản địa phương, trông giữ và cho thuê phương tiện đi lại trong rừng, xây dựng các mô hình trồng cây nông nghiệp có hoa theo mùa, tổ chức dịch vụ chụp ảnh phục vụ khách du lịch, tổ chức trình diễn và bán sản phẩm đặc trưng rượu ngô, thổ cẩm, biểu diễn văn nghệ dân gian, tổ chức các trò chơi dân gian… phục vụ khách tham quan, nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tăng mức chi tiêu của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao hiệu quả kinh doanh của hoạt động du lịch cộng đồng.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá xúc tiến điểm đến vào các thị trường mục tiêu phù hợp với đối tượng khách du lịch. Thực hiện công tác maketing du lịch xây dựng mối liên kết giữa nhà quản lý, các công ty du lịch, người dân và các tổ chức hỗ trợ tạo môi trường hoạt động thuận lợi, chia sẻ thông tin, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các bên, cũng như hài hoà các lợi ích và nâng cao năng lực của các hộ dân  kinh doanh du lịch. Thành lập tổ dịch vụ du lịch tự quản nên có sự phối hợp quan hệ đối tác chiến lược với một số công ty du lịch có tiềm năng chuyên khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng trên các tuyến du lịch đi qua địa phương để duy trì, phát triển lượng khách đến một cách thường xuyên trên các nguyên tắc phối hợp hai bên cùng có lợi, đem lại lợi ích lâu dài bền vững.

Việc khai thác tiềm năng thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc người Dao, người Mường tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn phục vụ xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng có sức thu hút hấp dẫn khách du lịch khi đến Phú Thọ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy hoạt động du lịch Phú Thọ phát triển. Với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo, hệ thống động thực vật đa dạng phong phú và nhiều loài đặc hữu, quý hiếm cùng với những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, Mường… hiện đang được bảo tồn, lưu giữ và phát triển, Vườn Quốc gia Xuân Sơn thực sự là một danh thắng tuyệt đẹp và điểm đến kỳ thú, hấp dẫn đối với du khách, lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học.

Ths.Vũ Thị Hoài Phương
Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL

Nguồn: Báo Phú Thọ