Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú và các khu, điểm du lịch

Cập nhật: 01/12/2020
Với mục đích nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường nói chung, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường nói riêng trong các cơ sở lưu trú du lịch và khu, điểm du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng phát triển bền vững, ngày 27/11, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học - Triển lãm về: Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường trong các cơ sở lưu trú và các khu, điểm du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định, trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã được cả thế giới quan tâm và Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá là 1 trong những ngành có đóng góp lớn nhất cho GDP của các quốc gia góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Không những tăng trưởng về kinh tế mà du lịch còn góp phần thúc đẩy sự gắn kết của các quốc gia trên thế giới, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hòa bình hữu nghị, nâng cao hình ảnh. Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng và thành quả thì những thách thức, áp lực đặt ra cho du lịch Việt Nam là rất lớn, thách thức về phát triển bền vững trong đó phát triển du lịch song song với bảo vệ môi trường (BVMT) nhất là môi trường du lịch chống biến đổi khí hậu (BĐKH), tác động tiêu cực đến du lịch là vấn đề rất quan trọng.

Theo đó, BĐKH và ô nhiễm môi trường là vấn đề chung của toàn cầu và được tổ chức Liên hợp quốc khuyến cáo qua nhiều nghị định, hiệp ước. Tại Việt Nam, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt, điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo vệ môi trường chống BĐKH trong hoạt động phát triển kinh tế của đất nước và đặc biệt trong hoạt động du lịch. Môi trường vừa là cơ sở để hình thành nên các sản phẩm du lịch, các khu, điểm du lịch, đồng thời môi trường chính là nguồn tài nguyên du lịch. Nếu không được bảo vệ tốt, tài nguyên sẽ bị hủy hoại lúc đó sức hấp dẫn, sự cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với thế giới sẽ giảm đi. Chính vì vậy, BVMT là nhiệm vụ số 1 của ngành Du lịch.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay các điểm du lịch của Việt Nam đang đối mặt với thách thức về chất lượng dịch vụ, trong đó bảo vệ môi trường là điểm yếu. Việt Nam cần cải thiện mức độ bền vững về môi trường, tập trung giải quyết những yếu tố dẫn đến tàn phá môi trường tự nhiên, đó là các quy định lỏng lẻo về môi trường, mức độ chất thải, nạn phá rừng và hạn chế về xử lý nước. Bất cập về môi trường đã và đang là những rào cản và thách thức đặt ra đối với ngành Du lịch trong thực thi các mục tiêu phát triển bền vững và định hướng thu hút các đối tượng khách có khả năng chi trả cao. Bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực là yêu cầu cấp thiết với mỗi công dân, mọi cấp, ngành trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh hội thảo

Thực tế hiện nay, cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) và khu du lịch đang là đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng, vật liệu, nguyên liệu liên quan đến cấu trúc bền vững của môi trường như điện, nước, thực phẩm, đỗ uống và hóa chất... Số lượng CSLTDL Việt Nam tính đến tháng 12/2019 khoảng 30.000 với 650.000 buồng, tăng 33 lần về số cơ sở và 19 lần về số lượng buồng phòng so với năm 2000, gồm 7 loại hình, phân bổ ở tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc. Sự phát triển này một mặt đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch nhưng mặt khác cũng gây áp lực lớn lên hạ tầng và tài nguyên, một số nơi đã xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu điện cục bộ, lượng chất thải lớn không được xử lý kịp thời gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính ...

Bên cạnh CSLTDL và khu du lịch đã có ý thức sử dụng sản phẩm, công nghệ thân thiện với môi trường... vẫn còn nhiều đơn vị chưa tiếp cận hoặc chưa biết cách sử dụng hợp lý, chưa có quy trình quản lý xanh, chưa tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, chưa xử lý chất thải đúng quy định... Trong thời gian tới các cơ sở cần kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, áp dụng các công cụ thiết thực để bảo vệ môi trường, kinh nghiệm cần được cập nhật, chia sẻ rộng rãi.

Hướng đến mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch, tạo các thương hiệu mạnh trên trường quốc tế. Các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục phấn đấu, góp phần để Việt Nam luôn là trung tâm du lịch, điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy ca du khách bốn phương.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về xu hướng phát triển du lịch và các giải pháp phát triển bền vững, sau Hội thảo khoa học và Triển lãm này, các địa phương và các CSLTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng các giải pháp phù hợp tại đơn vị mình, giới thiệu, quảng bá và tạo hiệu ứng với toàn xã hội cùng tham gia cải thiện môi trường, triển khai các hoạt động có trách nhiệm, bảo vệ hành tinh chung của chúng ta. Mỗi cá nhân, đơn vị sẽ thể hiện quyết tâm thực hiện các hoạt động có trách nhiệm của ngành Du lịch bằng những hành động thiết thực nhất, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới.

Gian hàng triển lãm các mặt hàng bảo vệ môi trường làm từ giấy

Triển lãm trưng bày tại Khách sạn Quinter Central Nha Trang từ ngày 26/11/2020 với sự tham gia của 14 đơn vị giới thiệu bằng hình ảnh và các sản phẩm thân thiện với môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường, công nghệ xanh sử dụng trong cơ sở lưu trú du lịch và các khu du lịch.

Thu Thảo

Nguồn: Tạp chí Du lịch