Lâm Đồng: Gỡ nút thắt cho Du lịch canh nông

Cập nhật: 21/05/2021
Ngày 13/4/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định 933 Ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có hiệu lực ngay từ ngày ký. Quyết định gồm 5 chương và 15 điều, kèm theo Bản chấm điểm tiêu chí công nhận điểm du lịch canh nông dành cho đơn vị đăng ký... Qua đó, tạo hành lang pháp lý cho loại hình du lịch canh nông hoạt động chuyên nghiệp và tháo gỡ được những vướng mắc trước đây.

Hoạt động du lịch ở Làng Nấm Đà Lạt thu hút 18 ngàn lượt du khách trong năm 2020.

Du lịch canh nông là loại hình du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp theo phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, với mục tiêu giải trí, giáo dục và nâng cao tri thức. Khách tham gia Du lịch canh nông sẽ được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi và thu hoạch, mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Du lịch canh nông được triển khai thí điểm ở Lâm Đồng từ năm 2016 và đã có 33 điểm Du lịch canh nông được cấp phép hoạt động, có hiệu lực trong vòng 3 năm. Đây là loại hình du lịch mới lần đầu tiên được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng và chưa có văn bản mang tính pháp lý toàn quốc về hoạt động Du lịch canh nông. Do đó, ngay khi Lâm Đồng tổ chức thực hiện thí điểm, nhiều vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật khiến hoạt động Du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh gặp vướng mắc, khó khăn, do hoạt động Du lịch canh nông chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp; nhưng yêu cầu của hoạt động kinh doanh Du lịch canh nông là phải có đường đi, nhà vệ sinh, khu trưng bày, nhà chờ, bãi đậu xe phục vụ du khách...

Những góc xinh xắn trong Khu Du lịch GreenBox.

Ông Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT Sunfood Dalat Co.op, đơn vị vừa đưa mô hình Du lịch canh nông vào hoạt động, cho biết: Quyết định 933 đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị hoạt động Du lịch canh nông. Đó là được phép chuyển đổi một phần quỹ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để xây dựng các công trình theo tiêu chí Du lịch canh nông; đồng thời, cũng nâng cao tiêu chí của Du lịch canh nông để hướng tới hoạt động chuyên nghiệp hơn, khi yêu cầu diện tích tối thiểu cho điểm Du lịch canh nông.

Quyết định 933 quy định, điểm Du lịch canh nông phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 đối với thành phố Đà Lạt và 10.000 m2 đối với các huyện và thành phố Bảo Lộc; đồng thời, cho phép thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình có mái che (cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ Du lịch canh nông), với tỷ lệ không quá 5% đối với diện tích từ 5.000 - 7.000 m2, 4% với diện tích từ trên 7.000 - 10.000 m2 và 3% với diện tích trên 10.000 m2.

Diện tích đất được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng công trình không có mái che (giao thông nội bộ, bãi đậu xe) tương đương không quá 50% diện tích đất được chuyển đổi để xây dựng công trình có mái che; diện tích đất còn lại chỉ để canh tác nông nghiệp phục vụ Du lịch canh nông và không được đầu tư, kinh doanh lưu trú tại điểm Du lịch canh nông. 

Điểm tham quan F - Cánh đồng hoa Đà Lạt với diện tích 30.000 m2 thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trải nghiệm. Ảnh: V.Việt

Các hạng mục, công trình tại điểm Du lịch canh nông phải đảm bảo thủ tục theo quy định của pháp luật; cụ thể: được phép xây 1 tầng (cao tối đa 7 m tại cốt xây dựng công trình), sử dụng vật liệu xây dựng, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, độ dốc của khu đất, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên...

“Du lịch canh nông phải đảm bảo tối thiểu 4 yếu tố: Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động nông nghiệp; mua bán sản phẩm nông nghiệp để gia tăng loại hình sản phẩm du lịch và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; mang đến tính giải trí, giáo dục và các hoạt động nâng cao tri thức cho du khách...”, Quyết định 933 của UBND tỉnh yêu cầu.

Nhiều loại nông sản đẹp trong Khu Du lịch Sunfood Dalat Co.op.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên có các văn bản về hoạt động Du lịch canh nông. Việc tỉnh ban hành quy chế mới về hoạt động Du lịch canh nông là để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đảm bảo cho hoạt động quản lý và kinh doanh mô hình Du lịch canh nông ngày càng chuyên nghiệp. Lâm Đồng đang là địa phương đi đầu trong cả nước về hoạt động Du lịch canh nông, và cũng đang trong quá trình phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, trong đó, Du lịch canh nông là một trong 4 sản phẩm của thương hiệu.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lý giải: Du lịch canh nông là một thương hiệu riêng có của tỉnh Lâm Đồng. Vì trên thế giới du lịch nông nghiệp đã phát triển từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước và mục tiêu là để phát triển du lịch trên nền tảng nông nghiệp thỏa mãn nhu cầu của du khách để phát triển. Lâm Đồng dùng khái niệm Du lịch canh nông để chỉ du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, canh nông có nghĩa là canh tân, đổi mới trong nông nghiệp.

Du lịch canh nông dù chỉ được thực hiện thí điểm ở Lâm Đồng, nhưng cho thấy hiệu quả kinh tế rất tốt, vì lợi nhuận thu được khi kết hợp du lịch trên cùng một đơn vị diện tích đất có thể gấp 3 lần so với thuần sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần tạo điều kiện để khuyến khích và nhân rộng mô hình Du lịch canh nông. Từ nay, đơn vị nào đáp ứng đủ tiêu chí của Quyết định 933 thì sẽ càng có điều kiện thuận lợi để hoạt động Du lịch canh nông và thông qua du lịch canh nông để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nhật Quân

Nguồn: Báo Lâm Đồng