Góp rác thải đổi thẻ bảo hiểm y tế-chuyện thấm đẫm tình người ở Nghệ An

Cập nhật: 16/07/2021
Câu chuyện nhân văn, thấm đẫm tình người ấy đang là việc làm tự nguyện, thường xuyên của các cấp hội phụ nữ tại Nghệ An. Những đồ bỏ đi như chai nhựa, giấy loại… được chị em góp nhặt, tận dụng để bán đổi mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) dành tặng cho những phụ nữ nghèo, kém may mắn.

Chị em hội LHPN xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc đang phát huy hiệu quả mô hình “đổi rác thải lấy thẻ BHYT”

Bà Hoàng Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hào hứng: Nhiều hội viên cao tuổi, thường xuyên đau ốm nhưng chưa quan tâm đến việc mua BHYT để khám chữa bệnh. Trong khi rác thải có thể tái chế lại có sẵn, có thể tận dụng gây quỹ để mua thẻ BHYT. Tôi trình bày ý định này tại cuộc họp mở rộng, không ngờ các hội viên nhất trí cao.

Từ ý tưởng ấy, năm 2018, Hội LHPN xã Nghi Thạch bắt đầu triển khai việc “Biến rác thải thành thẻ Bảo hiểm y tế” tặng cho các chị em hội viên. Trong quá trình thu gom rác; các hội viên đã phân loại các rác thải nhựa, phế liệu ngay tại gia đình rồi hàng tháng, hàng quý giao nộp cho chi hội phụ nữ xóm. Khi đã có một số lượng nhất định, các chi hội đã bán số rác thải này lập quỹ mua thẻ BHYT tặng các hội viên hay đau ốm, chưa có điều kiện mua thẻ.

Cầm tấm thẻ BHYT được tặng, bà Phạm Thị Tâm ở xóm Trung Khánh, xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc rưng rưng: Tấm thẻ BHYT của hội phụ nữ tặng thật ý nghĩa. Nhờ đó, khi tôi không may ngã gãy chân, mọi chi phí thăm khám, thuốc men... chữa trị đều được bảo hiểm thanh toán phần nhiều. Vì vậy, gia đình cũng đỡ được một phần kinh phí trong điều trị.

Phong trào thu gom rác đổi thẻ BHYT ở Nghi Thạch những năm qua, đã gây được nguồn quỹ và trao tặng 37 thẻ BHYT cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Học theo Nghi Thạch, 25/30 xã, thị trấn trong toàn huyện cũng đã triển khai mô hình này rất ý nghĩa.

Trong 2 năm qua, phong trào này đã thu gom hàng nghìn kg phế liệu, bán được hơn 220 triệu đồng, trao tặng 81 thẻ Bảo hiểm y tế cho các hội viên khó khăn cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Bà Đinh Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nghi Lộc khẳng định: “Biến rác thải thành thẻ Bảo hiểm y tế" đã trở thành phong trào có tính nhân văn sâu sắc, tác động, lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rất thiết thực.

Chị em hội LHPN xã Vĩnh Sơn huyện Anh Sơn đang thực hiện tốt mô hình nhân văn, ý nghĩa - đổi rác thải lấy thẻ BHYT 

Câu chuyện của hội viên phụ nữ Nghi Lộc giờ như “vết dầu loang”, nhiều cấp hội phụ nữ tại các địa phương khác ở Nghệ An đã và đang học theo mô hình nhân văn, ý nghĩa này. Thực tế đã cho thấy, tấm thẻ BHYT đã là những “bùa hộ mệnh” giúp ích rất nhiều cho các hội viên trong quá trình khám và chữa bệnh, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm thường xuyên.

Bà Phan Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: Quá trình vận động ban đầu gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, nhiều hội viên nghĩ vừa mất thời gian thu gom trong khi giá trị không nhiều nên thường vứt bỏ. Sau khi vận động và hướng dẫn, mọi người đã hiểu và giờ ai cũng tự giác thực hiện.

Để mô hình được triển khai sâu rộng trong các hội viên và Nhân dân, Hội LHPN đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động để không chỉ hội viên mà tất cả người dân đều nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và hiểu được ý nghĩa của hành động thu gom phế liệu mà lực lượng nòng cốt và phải thực hành trước là hội viên phụ nữ.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 283 đại lý BHYT do hội quản lý; 181 mô hình tiết kiệm mua BHYT của các chi hội, tổ; 700 thẻ BHYT do hội trao tặng… “Phong trào đổi rác thải lấy thẻ bảo hiểm y tế đã và đang được nhiều cấp hội triển khai. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhân văn, trách nhiệm. Hội LHPN tỉnh luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các cấp hội phát huy vai trò của mình để không một hội viên bị bỏ lại phía sau”, một lãnh đạo hội LHPN tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Quan trọng hơn, phong trào này đã góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ trước tác hại của rác thải nhựa, túi nilon đến sức khỏe con người và môi trường sống; nâng cao vai trò của tổ chức phụ nữ trong việc thực hiện đề án vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới; phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của chị em phụ nữ trong thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình năm không, ba sạch”.

Thành An

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển