Du lịch loay hoay vượt bão

Cập nhật: 28/07/2021
Sau gần 2 năm với 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp (DN) du lịch đang như con tàu lênh đênh trước giông bão. Để tồn tại, nhiều DN đã phải chuyển đổi phương thức kinh doanh, cố trụ vững.

Các doanh nghiệp du lịch đối mặt với vô số thách thức. Ảnh: Quang Vinh.

Bức tranh ảm đạm

Trải qua liên tiếp 3 đợt dịch, thị trường du lịch đã chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của các DN du lịch nước nhà. Với chương trình kích cầu du lịch nội địa nhiều khách du lịch trong nước lần đầu tiên được trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam với mức chi phí khá “dễ thở”...

Tuy nhiên, làn sóng Covid - 19 thứ 4 tiếp tục ập đến đã khiến các DN điêu đứng, nhiều DN lữ hành thiệt hại nặng nề, do đã có sự đầu tư rất lớn vào công tác marketing, quảng cáo, chi phí nhân sự... trước đó. Thậm chí nhiều DN lữ hành phải ngừng hoạt động, các khách sạn phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành bị giảm sút trầm trọng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.

Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tràng An cho biết, dịch bệnh hoành hành hơn một năm nay đã khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Thời điểm này, hầu hết các DN lữ hành gần như phải mở rộng ngành nghề kinh doanh hoặc chuyển đổi hẳn để có thể tồn tại.

“Hiện tại chúng tôi phải mở rộng sang một số mảng kinh doanh như lương thực, thực phẩm… Các DN ngành du lịch hầu như chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ cơ quan quản lý nhà nước. Có thông tin hỗ trợ nhưng đến nay vẫn… chưa nhận được gì”, ông Cường cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Ceo Công ty AZA Travel, trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, công ty lên đã lên kế hoạch tuyển thêm nhân viên để mở rộng khi du lịch trong nước có dấu hiệu “hồi” lại song kế hoạch này đã phải tạm ngưng.

Nhiều dịch vụ mới được DN triển khai để đón mùa vàng du lịch dịp hè 2021, nhưng mọi thứ đã bị “đóng băng”. Bán được tour cho một khách đã vất vả, giờ cả nghìn khách huỷ... Sau những “cú đấm bồi liên tiếp” từ các đợt dịch trước, sức đề kháng của nhiều DN  ngành dịch vụ, lữ hành và cả sản xuất đã thực sự suy yếu.

Tìm phao cứu sinh

Có thể nói, với những diễn biến phức tạp của Covid-19 ngành du lịch đang “kiệt sức”. Thậm chí theo các chuyên gia, ngành du lịch có thể “đóng băng” sang cả năm 2022. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đối với khách sạn từ 3 sao trở lên bởi chi phí hoạt động cho hệ thống là rất cao. Khả năng sẽ có những cuộc phá sản hàng loạt trong thời gian tới.

Để giải quyết tình thế này, mới đây Tổng cục Du lịch đã có công văn hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do dịch Covid-19 từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, thời gian qua ngành du lịch cũng đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước mắt ổn định và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa, tiếp tục hỗ trợ DN du lịch trong và sau đại dịch. Trong bối cảnh không thể gia tăng lượng khách quốc tế khi chưa kiểm soát được dịch hoặc lượng khách quốc tế tăng chậm sau đại dịch, thì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa là giải pháp quan trọng. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong nước, vừa bảo đảm khả năng duy trì cho các DN du lịch trong ngắn hạn.

Chính phủ, Bộ VHTTDL cần tiếp tục có chính sách, cơ chế thích hợp để hỗ trợ các DN du lịch, như hỗ trợ thuế, giá; hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; thực thi các chính sách kích cầu du lịch.

Cũng theo ông Khánh, thời gian tới cần phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao. Đại dịch đã tước đi công việc của hàng trăm nghìn lao động du lịch Việt Nam, nhiều lao động du lịch đã bỏ ngành, chuyển ngành.

Vì thế, sau đại dịch, việc quan trọng đầu tiên là cần có biện pháp giữ chân, thu hút, phục hồi lại lực lượng lao động cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao để bổ sung cho ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Còn theo kiến nghị của CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, các DN mong Chính phủ có những cơ chế giúp họ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát thực tế hơn. Bởi thực tế các gói hỗ trợ đã có nhưng DN du lịch hầu như chưa chạm được tới.

“Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đề nghị Chính phủ cho tháo khoán khoản ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng số tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho DN vay lại từ ngân hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động”, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất.

Minh Quân - Phạm Sỹ

Nguồn: Báo Đại đoàn kết