Singapo: Biến nước thải thành nước sạch

Cập nhật: 11/08/2021
Từng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, Singapo đã có những phương pháp thông minh và thực sự hiệu quả để có thể vừa giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn nước, vừa BVMT.

 Là một đảo quốc nằm ở Đông Nam Á, Singapo có rất ít nguồn nước tự nhiên và từ lâu đã phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung cấp nước từ nước láng giềng Malaixia. Để tăng cường khả năng tự cung tự cấp, Chính phủ Singapo đã xây dựng và phát triển một hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, bao gồm mạng lưới đường hầm và các nhà máy công nghệ cao. Trong khi hầu hết nước tái chế được sử dụng cho mục đích công nghiệp, một số được bổ sung vào nguồn cung cấp nước uống trong các hồ chứa của đất nước 5,7 triệu dân này. Hệ thống xử lý nước thải tiên tiến đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, vì chỉ có một lượng nhỏ nước đã qua xử lý được thải ra biển. Điều này trái ngược với hầu hết các quốc gia khác khi Liên hợp quốc (LHQ) ước tính 80% nước thải trên thế giới chảy ngược vào hệ sinh thái mà không được xử lý hoặc tái sử dụng.

Bà Low Pei Chin, kỹ sư trưởng bộ phận cải tạo nước của Cơ quan Tiện ích công cho biết, Singapo thiếu tài nguyên thiên nhiên và diện tích hạn chế, đó là lý do tại sao nước này luôn nỗ lực tìm kiếm các nguồn nước và mở rộng nguồn cung cấp nước. Một chiến lược quan trọng của Singapo là "thu thập từng giọt nước" và "tái sử dụng không ngừng". Singapo thu thập nước mưa thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về các hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 m dưới mặt đất. Phương pháp này bổ sung cho các cách tiếp cận trọng yếu khác của Singapo để đảm bảo nguồn cung cấp nước, gồm nhập khẩu, sử dụng các hồ chứa và khử mặn nước biển. Theo Cơ quan Quản lý nước quốc gia (PUB), nước thải tái chế hiện có thể đáp ứng 40% nhu cầu nước của Singapo. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 55% vào năm 2060.

Nhà máy tái chế nước Changi (Ảnh: water-technology.net)

Trung tâm của hệ thống tái chế là Nhà máy tái chế nước Changi công nghệ cao nằm ở bờ biển phía Đông của Singapo. Các toà nhà của nhà máy nằm dưới lòng đất - một số sâu tới 25 tầng. Nhà máy này sở hữu một mê cung ống thép, ống, bể chứa, hệ thống lọc và các máy móc khác, đồng thời có thể xử lý tới 900 triệu lít nước thải/ngày - đủ để lấp đầy một bể bơi tiêu chuẩn thi đấu Olympic cứ mỗi 24 giờ trong 1 năm. Trong một tòa nhà, một mạng lưới các quạt thông gió được lắp đặt để giữ cho không khí luôn trong lành. Nước thải được chuyển đến nhà máy sẽ trải qua quá trình lọc ban đầu trước khi được các máy bơm vận chuyển đến các cơ sở trên mặt đất để xử lý thêm. Tại đây, nước sau khi được xử lý sẽ được làm sạch hơn nữa, các tạp chất như vi khuẩn và virus bị loại bỏ thông qua các quy trình lọc tiên tiến và khử trùng bằng tia cực tím. Thành phẩm cuối cùng, được gọi là NEWater, chủ yếu được sử dụng trong các nhà máy sản xuất vi mạch vốn có mặt khắp nơi trên đất nước và đòi hỏi tiêu chuẩn cao về nguồn nước, cũng như cho các hệ thống làm mát trong các tòa nhà. Ngoài ra, NEWater cũng được sử dụng để tích trữ cho mùa khô. Trong mùa khô, NEWater được tích trữ tại một số hồ chứa nhân tạo và sau khi được xử lý thêm, nước sạch sẽ được cung cấp cho người dân.

Hiện Singapo đang mở rộng hệ thống tái chế nguồn nước, dự kiến bổ sung thêm một đường hầm dưới lòng đất và một nhà máy cải tạo nước chính để phục vụ cho nửa phía Tây của đảo quốc. Dự án này dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2025. Singapo sẽ chi 7,4 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng xử lý nước vào thời điểm dự án mở rộng này hoàn tất.

Giáo sư kỹ thuật môi trường Stefan Wuertz thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapo nhấn mạnh, trong bối cảnh Trái Đất chỉ có một lượng nước hạn chế, con người cần chấm dứt các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước và các quốc gia khác cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xử lý nước thải hiệu quả hơn.

Phương Linh

Nguồn: Tạp chí Môi trường