Hà Giang: Phát triển du lịch, thương mại không chờ ''hữu xạ tự nhiên hương''

Cập nhật: 17/08/2021
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 10%/năm; tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu đạt 100 triệu USD; đón 3 triệu lượt khách du lịch (DL) đến Hà Giang; công tác xúc tiến, quảng bá DL và thương mại đang được tỉnh Hà Giang triển khai với nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ, góp phần quan trọng để hoàn thành khâu đột phá “phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch ở xã Xuân Giang, Quang Bình. Ảnh: Tư liệu

Hà Giang có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và các tiểu vùng khí hậu khác nhau, tạo ra nhiều đặc sản nức tiếng trong cả nước, một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà. Hà Giang có nhiều cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ, đặc biệt là Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều điểm đến hấp dẫn; cùng với đó là đời sống văn hóa phong phú, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số khiến Hà Giang trở thành điểm đến kỳ thú trong “bản đồ” du lịch của du khách.

Để biến tiềm năng thành cơ hội phát triển, tỉnh tăng cường mạnh mẽ các giải pháp quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại bằng nhiều hình thức: Chủ động kết nối thị trường, gắn kết phân phối và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng phóng sự về các loại đặc sản Hà Giang phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam; lắp đặt pa nô ngoài trời; đẩy mạnh truyền thông số; tổ chức kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong cả nước; tổ chức Hội thi sản phẩm cam Sành hàng năm gắn với ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ sản phẩm cam vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị; tổ chức Tuần lễ “Cam Sành và sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang” lồng ghép với “Không gian văn hóa, du lịch, thương mại tỉnh Hà Giang” tại Hà Nội; hỗ trợ điểm bán hàng cố định tại Hà Nội và một số địa phương khác; tổ chức tuần hàng giới thiệu sản phẩm cam Sành và sản phẩm Ocop của tỉnh tại Hà Nội; tham gia Hội chợ, Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP; làm việc với hệ thống siêu thị lớn như: SaiGon Co.op, VinMart, Big C để đưa các sản phẩm đặc sản Hà Giang vào tiêu thụ; khai trương cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Quảng trưởng 26/3.

Các nghệ nhân biểu diễn và chế tác khèn Mông tại buổi Khai trương Gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Tư liệu

Đối với DL, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nhiều sản phẩm DL đa dạng, độc đáo, mang tính đặc thù như: Lễ hội Hoa Tam giác mạch, giải Marathon Quốc tế chạy trên cung đường Hạnh phúc; đua thuyền kayzac trên sông Nho Quế; dù lượn trên thảm hoa; Tuần lễ văn hóa “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”, phát triển các tour, tuyến DL khám phá, mạo hiểm; xây dựng các làng văn hóa DL cộng đồng… Tỉnh tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến DL như: Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển DL với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường; tích cực tham gia các hội chợ thương mại DL trong nước và quốc tế; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của trang web: http://www.hagiangtrade.gov.vn với nhiều thông tin về DL; khai trương Cổng thông tin điện tử DL thông minh; xây dựng các bộ phim tài liệu, phóng sự giới thiệu về vùng đất, văn hóa lễ hội, con người Hà Giang trên các phương tiện truyền thông; xuất bản cẩm nang DL, bản đồ quy hoạch DL, post card DL Hà Giang, “Bách khoa thư du lịch Hà Giang”… bằng nhiều ngôn ngữ; thiết kế, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, các đặc sản địa phương phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách; đẩy mạnh liên kết vùng. Hàng năm, tổ chức các hội nghị xúc tiến DL tại nhiều địa phương trong cả nước; tích cực chuyển đổi số, cổng DL thông minh và tổng đài đa kênh để hỗ trợ du khách; tổ chức các cuộc khảo sát sản phẩm DL mới; đổi mới phương thức xúc tiến, quảng bá DL trong tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp; đánh giá an toàn Covid-19 tại các cơ sở lưu trú cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia...

Thông qua hoạt động xúc tiến, quảng bá, ngành DL, thương mại của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh) đạt 6.286 tỷ đồng, tăng 3,81% so với cùng kỳ năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.991,3 tỷ đồng, tăng 20,02% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 123,5 triệu USD; lượng khách DL đạt 642.773 lượt người, tổng doanh thu từ khách DL đạt trên 1.157 tỷ đồng.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển DL, thương mại, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xúc tiến, quảng bá DL - Thương mại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí thực hiện 99,585 tỷ đồng. Nội dung xúc tiến, quảng bá tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến DL; biên tập, sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá DL và thông tin xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thông số; tổ chức không gian văn hóa, DL và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP; Hội nghị xúc tiến quảng bá DL và Thương mại Hà Giang tại các tỉnh, thành phố; trưng bày, giới thiệu điểm đến, liên kế phát triển DL Hà Giang với các thành phố lớn; tích cực tham gia các sự kiện DL, văn hóa và thể thao để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế; tham gia chương trình kết nối giao thương, định hướng xuất khẩu và hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng, duy trì các điểm trưng bày, quảng bả sản phẩm; tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, muốn biến tiềm năng và thế mạnh của tỉnh thành cơ hội phát triển không thể chờ “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần xúc tiến, quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh và hình ảnh một Hà Giang kỳ vĩ, nên thơ, đa sắc màu văn hóa phải đến được với người tiêu dùng và du khách bằng nhiều kênh khác nhau thì mới thành công./.

Biện Luận

Nguồn: Báo Hà Giang