Thân thương Miệt Thứ Nam bộ

Cập nhật: 20/08/2021
Vùng đất gọi tên bằng “Thứ” với những cái tên bình dị đếm thứ tự từ Thứ Hai cho đến Thứ Mười Một ở U Minh Thượng từ Kiên Giang qua Cà Mau là vùng quê nghèo ven biển Tây thưa dân cư xen với đất rừng hoang hóa ngập mặn. Tuy nhiên, nơi này trước nay tồn tại một kiểu tập quán lối sống riêng mà các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường gọi là văn hóa miệt thứ - một mảnh ghép trong bức tranh đặc trưng của đất và người phương Nam.

Người dân vùng cửa sông Cái Lớn quen sông nước trở thành nét văn hóa, lối sống riêng. Ảnh: TTH

Miệt Thứ gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng của Kiên Giang trải dọc theo sông Cái Lớn ra vịnh Rạch Giá rồi bẻ qua, kéo dài tới huyện U Minh của tỉnh Cà Mau. Giồng đất cổ này dài chừng 30km, rộng 15km tính từ biển vào có dân cư phân bố đều theo các xóm giềng bình quân. Mỗi khóm dân nằm cách nhau các con rạch ngang dùng để thau chua rửa mặn, chia nước từ sông ra biển.

Miệt Thứ trước đây có tới 25 kênh rạch lớn dọc ngang, nền đất yếu, người dân sống quen trên đất lâm (đất rừng hoang) lấy chính các con kênh này làm kênh thủy lợi, đồng thời là đường giao thông thủy. Nay có quốc lộ 91, 63, 61... cũng đều là các con đường bộ được cải tạo lại từ bờ đê kênh rạch mà làm nên và tên cũng đánh số cho quen gọi như tên cụm dân cư. Các cây cầu xây lên rồi cũng đặt tên kiểu thứ tự theo cách này cả.

Điều dễ nhận ra văn hóa miệt thứ với đặc điểm riêng, đó chính là các con rạch nhân tạo nằm đều nhau chằn chặn từ Thứ Hai đến Thứ Mười Một. Vùng đất Thập Câu (10 con rạch) chia ra từ con kênh chính là kênh Xẻo Rô dài 35km. Đây là con kênh xáng (kênh đào) lâu đời do người Pháp xây dựng nhằm làm ra con đường thủy khai thác và vận chuyển sản vật từ toàn bộ vùng bán đảo Cà Mau.

Ngoài các con kênh đặt tên Thứ rồi lấy đó làm tên cụm dân cư kế bên, thì Miệt Thứ còn vô số các con kênh thủy lợi làm mới, nhỏ hơn gọi là xẻo. Từ xẻo tồn tại trong từ điển tiếng địa phương của riêng Miệt Thứ có nghĩa là con rạch nhỏ. Các xẻo đều có cầu mới bắc qua, và dân cư tập trung ở các xẻo này gọi là Xẻo Rô, Xẻo Nhàu...

Do đặc điểm hình thành các cụm dân cư này nên các khu vực đông dân cư nhất nằm ở các xẻo, nơi giao nhau giữa các dòng kênh hình thành nên các thị tứ. Cho đến nay, trải qua nhiều cuộc đổi dời, thay tên, sắp xếp lại các cấp quản lý hành chính, nhưng vẫn còn những cái tên thân thương như thị trấn Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Chín, Thứ Mười Một... Ở giữa các xẻo nếu có phát sinh thêm một con rạch nhỏ thì cư dân theo thói quen gọi là Ba Rưỡi, Chín Rưỡi... Có con kênh cong queo gấp khúc gọi luôn là Mười Quẹo, con kênh chảy quanh một giồng đất cao hình dáng như chiếc gáo dừa thì gọi luôn tên kênh là Cán Gáo và gán luôn tên đất là ấp Cán Gáo.

Vùng đất những cái tên và sự hồn hậu trong bản tính con người cứ tồn tại và phát triển như thế. Cư dân họp chợ trên các ngã ba ngã tư sông và kênh rạch và ở trên các nơi giao nhau đó gọi là bùng binh. Lâu dần, từ bùng binh dùng quen lan tới các khu đô thị dành để gọi tâm điểm của các chỗ giao nhau đường bộ.

Miệt Thứ là quê hương của chiếc xuồng ba lá. Người Miệt Thứ cả đời dọc ngang với cơ man kênh rạch chằng chịt, ai nấy lái xuồng ba lá kỳ tài, luồn lách qua lau sậy, lung, bàu nước nhanh nhẹn, khéo léo. Hình dáng của chiếc xuồng ba lá chính là hình ảnh của chiếc lá dừa nước nổi trên mặt kênh. Sự mô phỏng tự nhiên một cách thông minh đó giúp cuộc sống người Miệt Thứ trở nên dễ dàng, mặc dù xuồng ba lá khó điều khiển vô cùng. Chiếc xuồng nhẹ, lướt êm và rất dễ vấp bèo bị lật úp trên bờ kênh hẹp.

Đời sống nổi nênh với nước phèn chua mặn, nhưng Miệt Thứ giàu thủy hải sản, động thực vật trong hệ sinh thái rừng tràm phong phú. Nghề bắt cua Cà Mau cũng sinh ra từ đây, tôm cá cũng chẳng mấy khi thiếu thốn. Trai miền Miệt Thứ cường tráng ham thích chinh phục thiên nhiên, gái miền Miệt Thứ đảm đang, chu toàn với gia đình, lối xóm.

Vùng U Minh ngày nay chia thành 2 vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau trong quan niệm của nhiều người vẫn là vùng hoang vu, là cõi u minh huyền bí. Trên thực tế, người dân vùng Miệt Thứ vốn có bản tính hồn hậu, ý chí kiên cường, được rèn rũa kỹ năng chinh phục thiên nhiên một cách tự nhiên.

Bên bờ vịnh Rạch Giá. Ảnh: TTH

Trải qua những năm chiến tranh, với lợi thế là vùng địa lý hoang vu, người dân che chở, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, biến vùng đất này trở thành căn cứ địa của lòng yêu nước. Trước đây, bất cứ người dân đốt than đước, kiếm mật ong rừng tràm, bắt cua, săn cá rùa rắn nào đều có thể là anh hùng giữ đất, chống giặc, làm quân thù khiếp đảm.

Quân và dân Miệt Thứ nổi danh với tài đi xuồng ba lá trong rừng tràm, trong lung dừa nước mà bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Nhiều thế hệ cán bộ cách mạng coi Miệt Thứ là vùng ân sâu nghĩa nặng, nơi còn đó những bà má anh hùng sinh ra những người con du kích anh hùng, những cô dân quân chống xuồng ba lá đi kháng chiến mà hình ảnh thân thương còn mãi.

Miệt Thứ ngày nay không còn nhiều hình ảnh những mái nhà lợp trĩu lá dừa nước, xuồng ba lá xẻ dọc kênh rạch trắng xóa bọt nước. Ngày nay, đường bộ tới đâu, cầu cất chỗ nào thì dân cư tụ lại nơi đó. Ven sông Cái Lớn không còn hoang hóa như xưa, các cây cầu lớn vùng Tắc Cậu nối những trung tâm đô thị thương mại khiến Miệt Thứ gần lại, đồng rừng trở nên thân thương với các vựa nuôi thủy sản san sát bằng các phương pháp kỹ thuật nuôi ươm mới, năng suất cao. Các xóm, ấp tự quản an ninh trật tự và rừng được bảo vệ để phát triển du lịch sinh thái. Cùng tốc độ nông thôn mới được đẩy nhanh, du lịch đang mang đến cho vùng Miệt Thứ sinh khí, sức sống mới.

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Biên Phòng