Điện Biên: Lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật: 16/09/2021
Cùng với sự phát triển chung của xã hội, quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa cộng đồng. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một và dần bị pha tạp. Vì vậy, việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Và để làm được điều đó, mỗi cá nhân, cộng đồng cần nâng cao ý thức giữ gìn nét đặc trưng của dân tộc mình, tránh tình trạng đồng hóa trong các hoạt động văn hóa, lối sống.

Những nếp nhà sàn vẫn được lưu giữ tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ).

Trong khi nhiều nơi, nhà sàn đang dần bị tháo dỡ, thay thế bằng những ngôi nhà bê tông kiên cố hoặc nhà xây thì gần như 100% số hộ dân của bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ vẫn lưu giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống. Nà Sự cũng là một trong những bản còn nhiều nhà sàn nhất của đồng bào người Thái trắng trên địa bàn xã. Dẫn chúng tôi tham quan những nếp nhà sàn trong bản, ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ chia sẻ: Ở xã Chà Nưa có hơn 80% dân tộc Thái trắng, sinh sống ở 5 bản. Bản nào cũng có nhà sàn và nhà người Thái nào cũng làm nhà sàn ở. Đặc biệt, tất cả bà con ở bản Nà Sự đều lưu giữ, bảo tồn được những nét đặc trưng trong ngôi nhà sàn của người Thái trắng. Để phát huy, giữ gìn các giá trị văn hóa đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, vận động bà con giữ gìn nét văn hóa nhà sàn của dân tộc.

Điều đáng nói là nếp sinh hoạt trong nhà sàn của người Thái nơi đây là cả một câu chuyện về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Thái trắng. Là một trong những người nắm rõ đặc trưng văn hóa cũng như nguồn gốc của nhà sàn người Thái ở đây, ông Lò Văn Nú, bản Nà Sự cho biết: Bây giờ cuộc sống hiện đại, nhiều nơi họ cũng không ở nhà sàn nữa. Nếu con cháu mình kết hôn với người cùng dân tộc thì họ còn muốn ở nhà sàn, còn nếu kết hôn với người khác dân tộc thì họ không muốn ở nhà sàn, vì sống không quen. Tuy nhiên, ở đây, dân bản vẫn lưu giữ được ngôi nhà sàn này. Để bảo tồn ngôi nhà truyền thống, tới đây, dù con cháu có làm nhà ở riêng thì chúng tôi cũng tuyên truyền để con cháu hiểu và vẫn giữ được nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc mình.

Những năm gần đây, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng được các trường học quan tâm triển khai thực hiện. Song song với việc truyền đạt kiến thức, các thầy, cô giáo đã có nhiều biện pháp cho học sinh trải nghiệm nhằm giới thiệu về các nét đẹp văn hóa, qua đó giúp các em hiểu hơn về giá trị của mỗi dân tộc, nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Để giới thiệu thế hệ trẻ trong nhà trường về giá trị văn hóa cũng như khơi gợi ý thức giữ gìn bảo vệ những nét đẹp truyền thống của dân tộc, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm khám phá làng nghề truyền thống. Anh Trần Thanh Bắc, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cho biết: Việc vun đắp tình yêu nghề truyền thống cho lớp trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua các buổi trải nghiệm, các em sẽ càng hiểu thêm về ý nghĩa và càng nâng niu, trân trọng hơn những giá trị văn hóa của người xưa để lại, đồng thời nâng cao ý thức trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Du khách tìm hiểu nét đẹp trong văn hóa của người Thái tại Homestay Phương Đức. Ảnh tư liệu chụp trước dịch Covid-19

Những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Việc lưu giữ và phát huy các nét văn hóa đã và đang làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Ông Đào Duy Trình, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai Nghị quyết 11-NQ-TU ngày 29/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác đầu tư nghiên cứu, bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, như: Trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian và văn học nghệ thuật dân gian thông qua các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh và các địa phương. Nâng cao vai trò của các nghệ nhân trong việc bảo tồn các di sản văn hóa của các dân tộc, trong đó có vai trò của các nghệ nhân nắm giữ các nghề thủ công truyền thống, các tri thức dân gian. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa việc bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, từ đó tạo ra sinh kế cho người dân, giúp họ có ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về bảo tồn bản văn hóa truyền thống trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Xu thế hội nhập ngày nay tạo nên nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương thì rất cần sự chung tay giữ gìn của mỗi cá nhân, cộng đồng các dân tộc. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đó sẽ vừa bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống, vừa tạo ra được những lợi thế để phát triển du lịch, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến đậm bản sắc trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Hưng

 

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ