Hà Giang: Phát triển cây lê ở Đồng Văn

Cập nhật: 24/09/2021
Những năm qua, huyện Đồng Văn luôn đẩy mạnh phát triển cây ăn quả phù hợp với thời tiết lạnh giá, chất đất của vùng cao như: Đào, mận. Đặc biệt, lê trở thành cây trồng chủ lực, giúp nâng cao đời sống, tạo công việc ổn định cho người dân.


Gia đình anh Mua Mí Pó, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là thu hoạch quả lê.

Đồng Văn có diện tích trồng cây ăn quả là 1.019 ha, trong đó, diện tích trồng lê 432,4 ha, mận 241 ha, đào 345,6 ha.

Huyện xác định cây lê là cây trồng chủ lực của địa phương. Với nhiều loại của lê địa phương, VH6, Đài Loan... năng suất cao tại các xã, thị trấn như: Phó Bảng 40,2 tạ/ha, Phố Là 45 tạ/ha, Phó Cáo 45,58 tạ/ha, Sủng Là 43,6 tạ/ha, Lũng Cú 41 tạ/ha, Má Lé 42,2 tạ/ha... Sản lượng thu hoạch 954,16 tấn/năm. Nhiều hộ có thu nhập ổn định từ cây lê... Trong đó, nổi bật là gia đình chú Trương Chính Lùng, thôn Phố Là B, xã Phố Là, có diện tích trồng lê 2 ha đang cho thu hoạch năm thứ 6, giá bán giao động từ 15.000 đồng/kg, thu nhập 110 triệu đồng/năm. Chú Lùng tâm tình: Trước đây, gia đình tôi là 1 trong những hộ khó khăn. Nhờ sự vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình tôi đã trồng cây lê. Đây là cây phù hợp với đất đai, chịu khô cằn, lạnh giá nên phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, cho quả to, năng suất cao. Sau những đợt quả chỉ cần tỉa cành, tạo tán giúp cây có đủ ánh sáng. Hiệu quả ngay trong những mùa thu hoạch đầu tiên, hàng năm gia đình thường xuyên trồng mới để tăng thêm diện tích, thay thế cây già cỗi

Gia đình anh Mua Mí Pó, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là cũng là 1 trong những hộ đổi thay cuộc sống nhờ trồng cây lê, trừ chi phí cũng đem lại cho gia đình 75 triệu đồng/năm. Gia đình anh Pó trước đây sống trong cảnh khó khăn, sau khi mạnh dạn cải tạo trồng lê đã giúp gia đình có công việc ổn định, đem lại thu nhập vững bền, quảng bá sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu lê Đồng Văn.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Dinh Chí Thành cho biết: Huyện luôn xác định cây lê là cây ăn quả chủ lực. Việc xây dựng nhãn hiệu Lê Đồng Văn luôn được chú trọng, đẩy mạnh thương hiệu cây ăn quả đặc trưng của Cao Nguyên đá Đồng Văn; phát huy hết tiềm lực, đẩy mạnh phát triển du lịch; giúp người dân thực hiện tốt cải tạo vườn, đồi tạp. Các địa phương trên địa bàn huyện luôn nỗ lực quy hoạch trồng tập trung để thuận lợi trong quá trình chăm sóc, thu hoạch. Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi những cây trồng không mang lại giá trị kinh tế, tận dụng những khe đá, đổ thêm đất tăng diện tích trồng lê; đảm bảo vững bền đầu ra của sản phẩm cho người dân.

Bài, ảnh: Thái Khang

Nguồn: Báo Hà Giang