Huế: Hồi sinh cồn Dã Viên

Cập nhật: 27/09/2021
Nằm ở vị trí đắc địa, cồn Dã Viên, một trong những địa danh nổi tiếng trong yếu tố phong thủy của Kinh thành Huế sau nhiều năm bị bỏ hoang nay đã được chỉnh trang, cải tạo trở thành không gian văn hóa, công cộng. Ngược dòng sông Hương hướng lên phía thượng nguồn, không khó nhận ra cồn Dã Viên như một hòn đảo thơ mộng với mảng xanh giữa lòng đô thị.

Người dân đạp xe dọc bờ sông Hương trên cồn Dã Viên sau khi được chỉnh trang, cải tạo.

Trở về đúng nghĩa

Những ngày giữa tháng 9, rất nhiều người dân Huế đã tìm ra cồn Dã Viên thăm thú khi hay tin nơi này đã hoàn thiện chỉnh trang. Dưới vòm cây lộng gió, ai cũng xúc động lẫn vui mừng khi chứng kiến không gian văn hóa, thiên nhiên oai phong của vùng đất cố đô sau bao nhiêu năm bị bỏ hoang nay đã hồi sinh. 

15 năm về trước, một công ty đã lên kế hoạch xây dựng cồn Dã Viên thành khu du lịch 5 sao hàng đầu Việt Nam với đầy đủ các loại hình dịch vụ cao cấp. Ngay lập tức, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã lên tiếng phản đối. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng chỉ có thể khai thác vườn công viên ở trên cồn Dã Viên, tuyệt đối không đưa công trình có khối diện tích lớn phục vụ cho hoạt động du lịch, nhà nghỉ, nhà hàng và bằng mọi giá, phải giữ được không gian cây xanh, không gian văn hóa vốn có. Kể từ khi dự án bị phản ứng, không thể triển khai, cồn Dã Viên cũng gần như bị lãng quên. Không gian này trở nên hoang hóa, cây cối mọc um tùm.

Cho đến đầu năm vừa rồi, mất rất nhiều thời gian lên kế hoạch, cuối cùng cồn Dã Viên cũng đã được chỉnh trang, cải tạo. Việc chỉnh trang được bắt đầu triển khai ở khu vực bờ đông đoạn từ phía dưới chân cầu đường sắt Bạch Hổ và cầu đường bộ Dã Viên hướng về phía hạ nguồn. 

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, việc chỉnh trang, cải tạo bờ đông cồn Dã Viên không mấy khó khăn bởi tất cả dựa trên yếu tố tự nhiên vốn của của nó. Sau bốn tháng triển khai, không gian cồn Dã Viên đã nên hình hài với hệ thống cây xanh được cắt tỉa, trồng mới đẹp mắt.

Nghiên cứu xây dựng vườn Ngự Uyển

Điểm nhấn quan trọng của cồn Dã Viên là con đường ốp đá uốn lượn, ôm trọn bờ đông dọc theo sông Hương, trở thành điểm dừng chân, ngắm cảnh cho người dân và du khách. Phía cuối cồn, còn có một vườn hoàng mai đặc trưng xứ Huế thường nở vào dịp Tết.

“Chúng tôi còn tạo nên những thảm cỏ ngay dưới hệ thống cây xanh, lắp đặt điện trang trí, hệ thống cấp thoát nước. Cồn Dã Viên sẽ trở thành một không gian đa năng, điểm dừng chân lý tưởng, nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ mọi người. Về lâu dài, Huế sẽ nghiên cứu để xây dựng một vườn Ngự Uyển giống thời nhà Nguyễn trên cồn Dã Viên”, ông Chinh nói thêm.

Sau một thời gian cất công quan sát, ông Nguyễn Vũ Quý (phường Tây Lộc, TP Huế) cuối cùng cũng đặt chân xuống cồn Dã Viên khi công trình cải tạo hoàn tất. Theo ông Quý, cùng với nhiều không gian khác giữa lòng đô thị di sản, không gian cồn Dã Viên có vị trí rất đẹp, giữa lòng sông Hương, cây cối xanh tươi. “Việc cải tạo chỉnh trang như vậy rất hợp lòng dân. Vừa giữ được không gian văn hóa, vừa tạo nên điểm đến công cộng, ai cũng có thể đến, hưởng thụ không khí mát lành mà đất trời đã tạo hóa ban cho Huế”, ông Quý chia sẻ. 

Không dừng lại ở việc chỉnh trang, cải tạo ở bờ đông, Trung tâm Công viên cây xanh Huế sẽ tính toán việc chỉnh trang bờ tây đoạn từ Nhà máy nước Dã Viên kéo lên phía thượng nguồn với diện tích hơn 80 nghìn m2. Cùng với đó, sẽ tính toán quy hoạch Nhà máy nước Dã Viên trở thành một bảo tàng “số” phục vụ tham quan. Nhà máy này được xây dựng vào năm 1953 với sức chứa 9.600 m3/ngày, kể từ năm 1993 đến năm 1996 cải tiến thêm với sức chứa 12 nghìn m3/ngày, sức chứa hiện tại là 24 nghìn m3/ngày. Dự kiến, nhà máy sẽ ngừng sử dụng trong thời gian tới do các thiết bị đã lạc hậu và được tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển thành nơi tham quan trong hành trình khám phá hai bờ cồn Dã Viên. 

Dã Viên là một cồn nhỏ sa bồi nằm ở đoạn trung lưu sông Hương, phía tây nam của Kinh thành Huế. Nếu như cồn Hến được gọi là “tả thanh long” thì cồn Dã Viên được gọi là “hữu bạch hổ”. Sử sách nhà Nguyễn đề cập tới cồn Dã Viên dưới thời các chúa Nguyễn. Từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765), đã từng tổ chức một trận đấu giữa voi và hổ ngay tại cồn này. Tên chính thức của cồn Dã Viên đến đời Vua Tự Đức mới có. Ông là người phát hiện vẻ đẹp quyến rũ của hòn đảo nhỏ nằm ngay trên sông Hương thơ mộng này nên đã cho người xây dựng một khu vườn ngự ở đó và đặt tên là “Dữ Dã Viên”.

Sau khi khu vườn ngự được xây xong, Vua Tự Đức đã viết một bài “Dữ Dã Viên ký”, vào khoảng những năm đầu của 1870. Bài ký mô tả diện mạo nơi này rất đẹp và hoa lệ với lầu ngắm cảnh, đường dạo, bến thuyền, bãi tắm, trường bắn và nơi luyện tập võ nghệ… trong một không gian xanh với vô số loài cây, hoa quý được sưu tầm về.

“Dữ Dã Viên”, nhưng người dân Huế thường gọi ngắn gọn là “Dã Viên”, và chính thức gắn bó với những địa danh, công trình ở đây như cồn Dã Viên, cầu Dã Viên, Nhà máy nước Dã Viên.

Bài & ảnh: Minh An

Nguồn: Báo Nhân dân