Chuyên đề: Di tích ứng phó “mùa đóng băng” - Giải pháp tối ưu để bảo tàng “sống”

Cập nhật: 27/09/2021
Xác định “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên phục vụ công chúng tham quan, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội”... Trong những ngày tháng người “cách xa” người, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với Thời Nay.

Tác phẩm tại triển lãm online “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”.

Phóng viên (PV): Trong những tháng ngày qua, khi phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã có cách thức hoạt động như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Trinh (NTT): Vẫn vì công chúng và cho công chúng. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến hầu hết các hoạt động vui chơi giải trí của công chúng bị hạn chế, bảo tàng đã tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp để có thể linh hoạt chuyển đổi hình thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm an toàn về phòng, chống lây lan dịch bệnh.

Các khâu công tác không đòi hỏi tập trung nhiều người như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, chỉnh lý và đổi mới không gian trưng bày dài hạn vẫn được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, các khâu quan trọng có yếu tố công chúng như trưng bày chuyên đề, giáo dục - truyền thông đòi hỏi phải chuyển đổi hình thức hoạt động. 

Đối với công tác trưng bày cố định, tận dụng những khoảng thời gian tạm dừng đón khách do dịch bệnh, từ tháng 3-2020 đến nay, bảo tàng đã hoàn thành chỉnh lý và trưng bày mới hoàn thiện ba không gian trưng bày, đặc biệt là không gian trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành và không gian trưng bày bộ sưu tập tranh Houei do nhà sưu tập người Nhật Itoh Toyokichi hiến tặng.

PV: Mục tiêu hướng tới công chúng của bảo tàng được triển khai thế nào?

NTT: Ứng dụng công nghệ số được xác định là giải pháp tối ưu. Bảo tàng quyết định không hủy các kế hoạch triển lãm chuyên đề và giáo dục bảo tàng, không thể để bảo tàng ngủ im trong lòng công chúng. Chúng tôi duy trì kết nối online, đặc biệt mạng xã hội được sử dụng tối đa. 

Bảo tàng đã liên tục cập nhật các thông tin về hoạt động mỹ thuật, giới thiệu tác giả, tác phẩm và các không gian trưng bày của bảo tàng đến công chúng, đồng thời đã phối hợp các nhóm nghiên cứu của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng ra mắt phim 3D giới thiệu không gian tổng thể của bảo tàng. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, các cuộc triển lãm chuyên đề vẫn diễn ra, có lúc được khai mạc và tổ chức tham quan áp dụng các biện pháp 5K nhưng khi dịch bệnh bùng phát mạnh buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi chuyển đổi hình thức triển lãm trực tuyến.

PV: Vậy công chúng đón nhận những hoạt động của bảo tàng ra sao?

NTT (cười): Do không phải là đơn vị truyền thông chuyên nghiệp, nên có sự thiếu thốn về nhân sự, máy móc, thiết bị. Nhưng để thực hiện được mục tiêu đề ra, cán bộ bảo tàng đã cố gắng tìm tòi, học hỏi cách quay phim, xây dựng kịch bản, dựng video... Nhờ vậy, những cuộc triển lãm online ra đời và hoàn thiện dần. Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020, giữa lúc TP Đà Nẵng phải giãn cách xã hội do dịch bùng phát, bảo tàng đã khởi đầu thực hiện triển lãm online với chủ đề “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”. Đến cuối tháng 5/2021, khi dịch bùng phát trở lại, bảo tàng tiếp tục tổ chức cuộc thi và triển lãm tranh thiếu nhi toàn thành phố bằng hình thức online với chủ đề “Đà Nẵng - Thành phố em yêu” và đã thật sự thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh.

Bảo tàng cũng đã tích cực kết nối với các bảo tàng trong nước và thế giới thông qua internet. Qua trang Mạng lưới Bảo tàng Việt Nam, bảo tàng liên tục cập nhật tình hình hoạt động của các bảo tàng, di sản, thông tin về các cuộc hội thảo, các khóa bồi dưỡng, tập huấn online, kết quả nghiên cứu chuyên ngành... Ngoài ra, nhờ kết nối online, bảo tàng đã hưởng ứng tham gia nhiều sự kiện quan trọng do Hội đồng bảo tàng quốc tế (ICOM) phát động như sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, sự kiện Museum Week được các bảo tàng trên khắp thế giới đồng loạt tổ chức hằng năm với sự ủng hộ của UNESCO... 

Trước tình hình dịch kéo dài và sự tất yếu của yêu cầu kết nối số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong tương lai, những nỗ lực và kết quả trước mắt mà bảo tàng chúng tôi đạt thời gian được xem ra còn nhỏ bé. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, bảo tàng cần được đầu tư chiến lược hơn về nhân sự cũng như cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị.

PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Nguồn: Báo Nhân dân