Cù Lao Chàm: Hướng tới những hành động xanh vì môi trường sạch, đẹp

Cập nhật: 19/11/2021
Sau 12 năm nói không với túi ni lông, đảo nhỏ Cù Lao Chàm, TP. Hội An, Quảng Nam đã trở thành điểm sáng có '1-0-2' trên cả nước. Hiện nay, cư dân trên đảo đang thực hiện chương trình thứ hai: Không ống hút nhựa, không đựng thức ăn, đồ uống và hộp nhựa dùng một lần.

Kiên quyết nói không với túi ni lông

Nằm cách phố cổ Hội An chừng 12 hải lý, hòn đảo Cù Lao Chàm bao đời nay được người dân bản địa tự hào với biển xanh, bãi cát trắng và cả cánh rừng xanh ngắt trải dài bạt ngàn. Câu chuyện nói không với túi ni lông ở đảo nhỏ Cù Lao Chàm khởi nguồn từ năm 2009. Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự đã mạnh dạn đề ra phong trào mang tên “Nói không với túi ni lông”.

Từ cảng Cửa Đại, sau chừng 20 phút vượt sóng sẽ đến được xã đảo có ba mặt giáp núi, một mặt hướng ra biển. Một tấm panô dựng ngay ở cảng Cù Lao Chàm in đậm dòng chữ: “Quý khách vui lòng cùng chúng tôi không sử dụng túi ni lông trên đảo”. Đi bộ chừng 100 m về khu chợ Tân Hiệp, nơi diễn ra cảnh bán buôn sầm uất, từ lối nhỏ cho đến lối lớn dẫn vào chợ, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các tấm panô mang thông điệp như thể “tẩy chay” túi ni lông. Trên cơ sở huy động sự đồng thuận của người dân, chính quyền Thành phố đầu tư cho mỗi hộ dân xã đảo hai chiếc giỏ nhựa để bà con đi chợ; đồng thời vận động bà con không dùng túi ni lông, thay vào đó là các loại vật liệu tự phân hủy như túi giấy, lá chuối… Những ngày đó, nếu ai không mang giỏ nhựa mà vẫn sử dụng túi ni lông đều bị "cấm cửa" vào chợ.

Để phong trào thực sự đi vào khuôn khổ, quy chuẩn, đầu năm 2010, một đội kiểm tra liên ngành chuyên giám sát vi phạm sử dụng túi ni lông chính thức được thành lập, trở thành tổ chức “chống túi nilông” đầu tiên, khó có thể tìm thấy tại bất cứ nơi đâu của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tiểu thương thì ở mức dao động từ 300 - 500 nghìn đồng. Riêng hộ gia đình thì áp dụng biện pháp nhắc nhở, phê bình trước toàn dân, cắt Danh hiệu Gia đình văn hóa.

Khẳng định thành quả sau 10 năm phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”, chính quyền cùng người dân địa phương quả quyết phong trào ý nghĩa trên đã và đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Hành động này đã góp phần phần thúc đẩy chiến lược phát triển du lịch của hòn đảo vinh dự là một trong 9 địa danh ở Việt Nam được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

12 năm qua, các tiểu thương trong chợ Tân Hiệp nói không với túi ni lông

Trước năm 2009, khách du lịch tới đảo chỉ đạt khoảng 32.000 người/năm, nhưng từ năm 2009 đến 2011, lượng khách đến Cù Lao Chàm mỗi năm luôn đạt từ 70.000 - 80.000 người. Đến nay, Chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” đã tạo nên một hòn đảo đẹp mê hoặc, thu hút 3.000 - 4.000 du khách mỗi ngày.

Nói không với ống hút nhựa, chai nhựa dùng một lần

Cuối năm 2018, TP. Hội An tiếp tục phát động Chương trình “Cù Lao Chàm nói không với ống hút nhựa” kèm thông điệp chỉ một hành động nhỏ nhưng có thể mang lại thay đổi lớn. Đến nay, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động nói không với ống hút nhựa và tiến tới giảm các vật dụng nhựa khác.

Bây giờ, đến với Cù Lao Chàm, bước vào quán cà phê, nhà hàng, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những ống hút thân thiện với môi trường được làm từ cây sậy, tre, trúc. Anh Huỳnh Giang, chủ cửa hàng Hải Dương, chia sẻ, với 80.000 đồng, anh chỉ mua được tầm 100 ống hút sậy. Trong khi đó, cũng với ngần ấy tiền, anh có thể mua được hàng trăm ống hút nhựa. "Dĩ nhiên, khi dùng ống hút sậy, lợi nhuận kinh doanh sẽ giảm đi nhiều nhưng tất cả đều vì công cuộc chung tay BVMT cũng như sức khỏe của con người. Thế mới thấy được tình yêu của bà con đối với đảo lớn đến chừng nào”.

Cù Lao Chàm có thực sự trở thành hòn đảo “nói không với chai nhựa dùng một lần và ống hút nhựa hay không?” - chắc chắn được. Điều này được thể hiện bởi sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Nói như một lãnh đạo xã đảo thì: “Khó như việc vận động người dân bỏ thói quen đi vệ sinh trên núi dưới biển, khó như việc vận động bà con và nhất là tiểu thương trong chợ bỏ túi ni lông mà đảo Cù Lao Chàm còn làm được thì can cớ gì chúng tôi lại không vận động được bà con bỏ ống hút nhựa dùng một lần”.

Nguyệt Minh

Nguồn: Tạp chí Môi trường