Phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái tại Thái Nguyên

Cập nhật: 12/01/2022
Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, giúp người nông dân gắn bó với nông thôn. Kinh nghiệm xây dựng mô hình trong bài viết này như một sự chia sẻ giúp cho cộng đồng các chủ trang trại có thêm nhiều kinh nghiệm để cùng nhau xây dựng một cộng đồng Nông nghiệp gắn với phát triển du lịch bền vững.

Du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại là hình thức “xuất khẩu” hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và người mua được tiếp cận tận gốc xuất xứ sản phẩm, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê nông nghiệp truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

Hiện nay xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp theo bộ tiêu chí OCOP là mũi tên trúng hai đích khi vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch vừa làm phong phú thêm sản phẩm OCOP cho địa phương, đây cũng là giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch kết hợp chương trình OCOP, đặc biệt là sản phẩm gắn với khai thác làng nghề truyền thống, ẩm thực đã được lồng ghép với các chương trình du lịch quốc gia”.

Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng sinh thái gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn ít, đa phần các mô hình mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn. Đặc biệt, người dân vẫn chưa có các kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng.

Vì vậy, để hỗ trợ người dân, hợp tác xã làm du lịch cộng đồng, các ngành chức năng cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.  Ngoài ra, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư.

Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, đẩy mạnh thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Dự án: “Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với Du lịch nông nghiệp tại 3 huyện Đại từ, Định Hóa, Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên”, nằm trong chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới 2018-2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn được giao cho Trung tâm môi trường tài nguyên miền núi, Đại học Nông lâm triển khai. Qua quá trình xây dựng mô hình, thu được một số kết quả như sau:

1. Đã xây dựng được 3 mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với Du lịch tại 3 huyện

2. Tập huấn được cho 300 người dân tại 3 huyện về Nông nghiệp sinh thái, Du lịch nông nghiệp.

3. Tổ chức được 4 hội thảo để giới thiệu kết quả của mô hình, kết nối với các tổ chức có liên quan

4. Xuất bản sách: Hướng dẫn phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với Du lịch nông nghiệp.

Bài học kinh nghiêm xây dựng và phát triển mô hình

1. Trước khi quyết định mô hình nông nghiệp nào có thể phát triển theo hướng kết hợp du lịch cần phải có bước đánh giá tiềm năng

2. Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch thì phần thu từ hoạt động nông nghiệp phải chiếm 70-80% doanh thu

3. Mỗi mô hình nông nghiệp gắn với Du lịch sẽ có khách hàng mục tiêu riêng, phụ thuộc vào địa điểm, sản phẩm nông nghiệp của mô hình

4. Chủ trang trại đóng vai trò quyết định đến thành bại của mô hình

5. Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng

Hình ảnh hoạt động của dự án

Xây dựng mô hình tại Hoàng Nông Farm – huyện Đại Từ

Xây dựng mô hình tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa

Xây dựng mô hình tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai

Hội thảo kết nối

Khi Du lịch bị ảnh hưởng bời đại dịch Covid-19, mô hình vẫn có các nguồn thu ổn định từ sản phẩm nông nghiệp

TS. Vũ Thị Thanh Thủy

Nguồn: ecotourism.tuaf.edu.vn