Kon Tum: “Đánh thức” Kon Jơ Dri

Cập nhật: 10/11/2022
Làng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) là một trong những làng còn lưu giữ những nét đặc trưng về kiến trúc, giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na cùng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hữu tình. Tiềm năng, lợi thế ấy đang được người dân nơi đây “đánh thức” bằng việc xây dựng làng Kon Jơ Dri trở thành điểm du lịch cộng đồng.

Nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 6km, dù trải qua những bước thăng trầm và chịu sự tác động của đời sống hiện đại, nhưng làng Kon Jơ Dri vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Ba Na. Đó là, những hoạt động, nghi lễ văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt; các lễ hội truyền thống, các bài dân ca cổ, cồng chiêng- múa xoang. Người dân nơi đây còn biết khai thác, sử dụng các loại thực phẩm (từ các sản phẩm có trong tự nhiên hoặc sản phẩm do người dân sản xuất) để chế biến nhiều món ăn mang đặc trưng riêng của nơi đây, như cơm lam, gà nướng, cá sông nướng trên than củi và trong ống lồ ô và những món ăn từ củ, quả, rau rừng, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn, đa dạng về ẩm thực của làng Kon Jơ Dri.

Người dân làng Kon Jơ Dri còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: T.H

Đặc biệt, Kon Jơ Dri được đánh giá là một trong những làng cổ ở thành phố Kon Tum còn giữ được những nét kiến trúc mang đặc trưng riêng của đồng bào Ba Na như nhà Rông cao vút ở giữa làng, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, hội họp của các già làng. Tỷ lệ nhà sàn truyền thống trong làng hiện cũng chiếm trên 20%; các ngôi nhà sàn được xây dựng vây quanh, hướng về “trái tim” của làng- nhà rông.

Bên cạnh đó, làng Kon Jơ Dri còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều lợi thế như có nhiều sông, suối đẹp chảy qua làng như sông Đăk Bla, suối Đăk Yang, Đin Jar, đập Đăk Rơ Wa, gắn với địa hình đồi núi, rừng cây và rẫy liền kề tạo nên cảnh quan hữu tình, hội tụ đủ các yếu tố đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế đó, thời gian qua, chính quyền thành phố Kon Tum, xã Đăk Rơ Wa tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để dân làng Kon Jơ Dri xây dựng làng du lịch cộng đồng.

Theo đó, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục bảo tồn những giá trị văn hóa; lựa chọn và xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển các địa điểm không gian, dịch vụ cho khách du lịch trải nghiệm. Đến nay, làng Kon Jơ Ri đã hình thành xong “bộ khung” về tổ chức hoạt động du lịch gồm Ban quản lý làng du lịch và 7 tổ phục vụ gồm tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ, tổ cồng chiêng múa xoang, tổ ẩm thực, tổ tiếp đón khách, tổ y tế, tổ vệ sinh cộng đồng, tổ an ninh. Trong làng hiện có 1 homestay của hộ A Mĩm là không gian trải nghiệm hấp dẫn cho du khách về dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu ghè, ẩm thực.

Đan lát là nghề truyền thống được người dân trong làng bảo tồn. Ảnh: TH

Với sự hiền lành, chất phác, thân thiện, mến khách và khát vọng làm du lịch của người dân, cùng với sự thuận tiện về giao thông, thời gian gần đây, Kon Jơ Dri đang từng bước trở thành điểm đến “an toàn - thân thiện - hấp dẫn” với du khách.

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành đámh giá thẩm định và kết quả là làng Kon Jơ Dri đáp ứng đủ 3/3 tiêu chí của làng du lịch cộng đồng theo quy định. Đó là, có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch và đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực tại làng.

Những ngày này, chính quyền xã Đăk Rơ Wa và người dân làng Kon Jơ Dri đang tích cực hoàn thiện những nội dung, phần việc còn thiếu sót hay chưa hoàn chỉnh để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận làng du lịch cộng đồng.

Có thể nói, những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân làng Kon Jơ Dri trong nhiều năm qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nơi đây bằng việc mở ra hướng khai thác và phát huy hiệu quả của loại hình “kinh tế xanh” - du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Thiên Hương

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 09/11/2022