Kon Tum: Người "thổi hồn quê" cho những sản phẩm du lịch

Cập nhật: 28/04/2023
Yêu mến những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, họa sĩ Kiều Đăng - Công ty Du lịch Làng Hồ Tourist đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Ngoài giá trị kinh tế, các sản phẩm góp phần quảng bá nét đẹp, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đam mê làm tranh gạo

Họa sĩ Kiều Đăng sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum). Sau khi tốt nghiệp Khoa Thiết kế truyền thông đa phương tiện (Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai), với tình cảm đặc biệt dành cho gạo, chị Kiều Đăng đã lên ý tưởng xây dựng phòng tranh và bắt tay vào thiết kế các sản phẩm tranh gạo Làng Hồ mang đậm nét Tây Nguyên.

Trải qua nhiều năm, tranh gạo Làng Hồ của chị Kiều Đăng hiện là cái tên quen thuộc với nhiều bạn bè, du khách gần xa. Với chủ đề độc đáo mang đậm nét Tây Nguyên, tranh của chị thường xuyên xuất hiện tại nhiều sự kiện lớn, nhỏ tại địa phương, nhận nhiều sự quan tâm của các nghệ sĩ trên cả nước.

Họa sĩ Kiều Đăng là một trong những thành viên của đoàn Kon Tum đi dự Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. Ảnh: H.T

Theo chị Kiều Đăng, làm tranh gạo đòi hỏi người nghệ sĩ phải công phu, miệt mài, tỉ mẩn từng chút một để tìm tòi, nghiên cứu phương pháp xử lý gạo, tạo màu sắc, bố cục cho thật chuẩn xác và tinh tế. Việc làm tranh trải qua nhiều công đoạn khó, nếu không có đam mê và kiên trì, cộng với một chút năng khiếu thì khó có thể làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh.

“Cái gì mình bỏ công sức, tâm huyết thì sẽ nhận lại phần thưởng xứng đáng. Đó cũng là phương châm làm việc của tôi. Quá trình làm tranh vất vả, tốn công bao nhiêu thì khi hoàn thành, tôi lại “sướng” bấy nhiêu vì những giá trị tinh thần, nghệ thuật vô giá mà chúng mang lại”- chị Kiều Đăng chia sẻ.

Với đam mê cháy bỏng với hạt gạo làng, hiện tại, họa sĩ Kiều Đăng đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm tranh gạo Làng Hồ với nhiều kích cỡ khác nhau để du khách có nhiều sự lựa chọn. Chủ đề tranh cũng rất phong phú như: Thư pháp, phong thủy, phong cảnh, đất và người Kon Tum. Trong không gian rực rỡ sắc màu lễ hội của những sự kiện lớn, nhỏ tại địa phương, những bức tranh gạo Làng Hồ mộc mạc, tự nhiên của họa sĩ Kiều Đăng như thêm nổi bật, hòa quyện và sống động hơn bao giờ hết. Nhiều du khách đã tìm đến phòng tranh của chị để tận mắt chứng kiến, tự tay thử làm tranh gạo và mua làm quà lưu niệm dành tặng bạn bè, người thân đầy ý nghĩa.

Hiện, tranh gạo Làng Hồ của họa sĩ Kiều Đăng đã tham gia nhiều triển lãm tranh trên toàn quốc. Năm 2012, bộ tranh có tên Lễ hội gồm 4 bức của chị Kiều Đăng đã được chọn tham gia triển lãm tranh do Câu lạc bộ Mỹ thuật trẻ Gia Lai tổ chức và triển lãm mỹ thuật khu vực 5 tại Quảng Ngãi (khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên) do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức; tác phẩm “Quà thiên nhiên” làm bằng chất liệu rễ cây, vỏ cây lấy từ rừng già được chọn trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật khu vực nam miền Trung - Tây nguyên lần thứ 18 tại Đà Nẵng.

Chị Kiều Đăng luôn đồng hành và viết tiếp ước mơ làm tranh gạo cho nhiều em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: H.T

Chị Kiều Đăng còn được biết đến là một tấm gương sáng, tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng. Suốt khoảng thời gian gắn bó với việc làm tranh, chị cộng tác với các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi trên địa bàn tỉnh để dạy nghề cho các em, xuất khẩu tranh cho tổ chức từ thiện, mở những triển lãm tranh và Workshop để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Nhờ những hoạt động ấy, nhiều bạn trẻ đã tìm được đam mê, định hướng cho mình; các em khuyết tật đã có công việc nuôi sống bản thân, hòa nhập với cộng đồng, thực hiện ước mơ làm nghệ thuật của mình.

Lan tỏa du lịch bền vững

Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của quê hương Kon Tum luôn là ước mơ, động lực thôi thúc họa sĩ Kiều Đăng cố gắng, sáng tạo từng ngày. Với tình yêu quê hương, chị Kiều Đăng hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững và xem lợi nhuận chỉ là “phần thưởng” chứ không phải đích đến.

Trong không gian yên tĩnh của Homestay và Coffee Làng Hồ (đường Bắc Kạn, thành phố Kon Tum) mang đậm dấu ấn của cảnh sắc Tây Nguyên, chị Kiều Đăng hàng ngày vẫn miệt mài, say mê sáng tạo những giá trị về văn hóa du lịch địa phương. Với dáng người nhỏ nhắn nhưng chị gây ấn tượng cho mọi người về tinh thần sống đầy lạc quan và nhiệt huyết, ánh mắt đầy “lửa” khi nói về những đam mê.

Chị Kiều Đăng chụp ảnh lưu niệm cùng đạo diễn nổi tiếng Tuấn Lê tại Homestay và Coffee Làng Hồ. Ảnh: H.T

Chị Kiều Đăng cho biết, hướng đến việc phát triển du lịch xanh, bền vững, hiện chị đã có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo cho riêng mình. Ngoài sản phẩm tranh gạo Làng Hồ, chị hiện quản lý Homestay và Coffee Làng Hồ, tour du lịch trải nghiệm Làng Hồ Tourist, hợp tác cùng các công ty lữ hành, du lịch tổ chức những tour du lịch dài ngày cho khách phương xa. Chị Kiều Đăng vẫn còn rất nhiều dự định khác về phát triển các sản phẩm du lịch địa phương và với sản phẩm nào, chị đều đặt hết đam mê, trách nhiệm và tình yêu quê hương Kon Tum lên trên hết.

Hiện tại, bên cạnh phát triển những sản phẩm du lịch địa phương, chị hướng đến việc tổ chức những triển lãm và Workshop quốc tế để kết nối nhiều họa sĩ, nghệ sĩ, khách du lịch trong và ngoài nước đến với các sản phẩm du lịch của mình, cũng như đất và người Kon Tum. Bên cạnh góp phần quảng bá, phát triển những sản phẩm du lịch của địa phương, những triển lãm và Workshop mà chị hướng đến còn là một cách hữu hiệu giúp người xem thư giãn, trị liệu những “vết thương” về tinh thần và tăng thêm niềm vui sống.

“Cố gắng đam mê hơn mỗi ngày, không ngừng tìm ra cái mới, cái hồn để đưa vào từng sản phẩm, tạo ra sự độc đáo và hài hòa với văn hóa bản địa, kết nối mọi người và tạo ra những giá trị cho cộng đồng là điều tôi hướng đến”- chị Kiều Đăng chia sẻ.

Hoàng Thanh

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Ngày 26/04/2023