Sơn La: Hoang sơ thác nước Bản Vặt

Cập nhật: 06/10/2009
  Thác nước Bản Vặt gắn liền với lịch sử cư trú từ xa xưa của người Thái ở vùng đất Mường Sang (Mộc Châu ngày nay). Có thể nói đây là cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Ngoài tên gọi dân dã trên, thác nước còn có tên gọi khác như thác Dải Yếm, thác Nàng, nhằm ví vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn.
Theo tiếng Thái thì "Vặt" nghĩa là nơi người đã cứu dân trong vùng khỏi tai họa sinh sống. Ðến với Bản Vặt ta sẽ được nghe kể về truyền thuyết hình thành nên bản. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ mà tạo hóa ban tặng cho chủ nhân của vùng đất này, được đắm mình vào khung cảnh hoang sơ, u tịch, huyền bí. Ðiểm khởi nguồn của dòng Suối Vặt là từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu, chảy từ hang đá ở địa đầu Bản Vặt, một bản của dân tộc Thái có lịch sử rất lâu đời ở vùng đất này khi tộc người Thái đến định cư ở đây.

Suối Vặt bắt nguồn từ trong núi, chạy dài 5km trước khi chảy về thác nước (nơi du khách dừng chân tham quan). Thường thì nước suối ở đây đầy quanh năm, dòng chảy mạnh. Khi bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước tràn ứ lên, xoay ngược lại, lượng nước lập tức dâng cao đổ xuống phía bờ thấp hơn và tạo thành thác nước rồi hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập làm nên một dòng suối lớn bắt nguồn từ Bản Bó Sập giáp biên giới Việt Nam - Lào chảy về đất Yên Châu.

Theo dòng suối ngược lên, du khách bắt gặp con thác thứ nhất. Dưới lòng suối Bó Sập là hàng nghìn viên đá, tảng đá có hình dáng khác nhau, trông thật lạ mắt. Vào mùa nước dâng từ tháng 4 đến tháng 9 thì toàn bộ 70m chiều rộng thác là một màn nước trắng xóa, trông thật hùng vĩ, thơ mộng. Thác nước thứ hai, cách thác nước thứ nhất 150m về phía dưới lại càng làm cho du khách ngạc nhiên và thú vị hơn. Vào mùa khô, chỉ có một dòng chảy từ độ cao 50m xuống triền đá phía dưới. Thảm thực vật trên đỉnh thác vô cùng phong phú, tạo cho khung cảnh thêm hùng vĩ.

Từ thác nước Bản Vặt ngược trở lại quốc lộ 43 khoảng 600m và rẽ về phía tay phải theo đường dân sinh khoảng 300m nữa là trung tâm Bản Vặt. Ðây là một bản thuần Thái với các dòng họ Sa, Hà, Hoàng. Cư dân trong bản vẫn lưu giữ được các yếu tố tộc người truyền thống như nhà sàn và cách bài trí, trang phục truyền thống; kinh tế ruộng nước và nương rẫy; nghề dệt thổ cẩm và văn hóa ẩm thực cùng những giá trị văn hóa dân gian lâu đời. Ngoài ra, Bản Vặt còn có chung với Bản Áng một lễ hội dân gian, gọi là "lễ hội Xe Chá" mang đậm nét tâm linh.

Ở Bản Vặt còn có hồ nước của nhà chùa, tiếng địa phương gọi là "Noong Buông", nghĩa là hồ sen - nơi tắm rửa tượng phật vào dịp cuối năm. Ðến tham quan nơi này, du khách sẽ được những người già trong bản kể lại lịch sử của bản và chùa Vặt, được đắm mình trong lễ hội "Xe Chá" vào dịp Tết Nguyên đán, được thưởng thức các lời ca, tiếng hát, điệu múa truyền thống và ẩm thực ngay trên chính hồ nước Noong Buông.

Nguồn: Báo Nhân Dân