Du lịch đường sông: Những chuyển động của du lịch Đồng Nai

Cập nhật: 28/02/2017
​Du lịch đường sông không còn là sản phẩm du lịch mới ở nước ta. Có thể kể đến Huế, Ðà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, du lịch đường sông đã trở nên nổi tiếng và trở thành thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương.
Cùng với các loại hình du lịch, dịch vụ truyền thống, Ðồng Nai đã và đang nỗ lực xây dựng, sớm đưa vào khai thác tuyến du lịch bằng đường sông dựa trên tiềm năng sẵn có và những ưu thế vượt trội.
 
Sản phẩm du lịch tiềm năng
 
Sông Ðồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Sông Ðồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Ðồng, Ðắk Nông, Bình Phước, Ðồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh với chiều dài 586km (364 dặm) và lưu vực 38.600km². Với vị trí địa lý thuận lợi, sông Ðồng Nai được xem là “cửa ngõ” quan trọng trong việc phát triển giao thông đường sông với các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Một góc neo đậu ca nô du lịch tại bến tàu Nguyễn Văn Trị.
 
Trong nhiều cuộc họp về du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã nhấn mạnh, Sở VH-TTDL cần phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong quy hoạch phát triển tuyến du lịch trên sông Ðồng Nai, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Hình thành tour du lịch dọc tuyến sông sẽ rất lý tưởng để thu hút khách du lịch dừng chân ở Ðồng Nai lâu hơn. Tuy nhiên, cách làm như thế nào để vừa đẩy mạnh phát triển du lịch trên sông, vừa phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc, đảm bảo môi trường, cảnh quan là điều phải nghiên cứu, tính toán kỹ.
 
Tuyến du lịch đường sông đi qua nhiều di tích lịch sử, nhiều cảnh đẹp của Ðồng Nai như: Văn miếu Trấn Biên; nhà cổ Trần Ngọc Du, đình Tân Lân, đình Nguyễn Tri Phương, Thất phủ cổ miếu (chùa Ông), đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; di tích Nhà Xanh, nhà Hội Bình Trước, thành Biên Hòa, nhà lao Tân Hiệp… Ðặc biệt, tuyến du lịch này còn nối kết với các điểm du lịch sinh thái như: Làng bưởi Tân Triều, Câu lạc bộ Xanh, Cù lao Ba Xê, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài… hứa hẹn tạo nên sự phong phú, đa dạng về một tiềm năng du lịch đường sông.
 
Theo Trưởng ban quản lý dự án du lịch sinh thái Cù lao Phố Nguyễn Hoàng Cường, ở những địa phương tuyến du lịch này đi qua, các mặt hàng lưu niệm, đặc sản của hai địa phương sẽ được khai thác tối đa. Một khi phát huy được tiềm năng, khai thác và phát triển du lịch sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Du lịch đường sông không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh du lịch mà còn tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Ðồng Nai nói riêng.
 
Những chuyển động…
 
Xác định các lợi thế trong phát triển du lịch, ngành văn hóa đã lập quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tuyến du lịch đường sông được xác định dài 91km, dọc theo dòng sông Ðồng Nai bắt đầu từ bến Bạch Ðằng thuộc TP. Hồ Chí Minh và kết thúc tại khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Dự án này sẽ được chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn 1 là xây dựng hệ thống ca nô 11 chiếc được trang bị hiện đại có tốc độ 60km/h, nhà chờ ngay tại bến tàu Nguyễn Văn Trị kết hợp với cà phê trên sông với vốn đầu tư 30 tỷ đồng và giai đoạn 2 là xây dựng resort 30 ha trên khu vực cù lao Ba Xê với vốn đầu tư 300 tỷ đồng.
 
Theo dự án phát triển du lịch đường sông của TP. Biên Hòa, dự án đang tiến hành đầu tư các điểm dịch vụ vận chuyển và du lịch dọc tuyến sông Ðồng Nai từ Cù lao Ba Xê phường Long Bình Tân đến thượng nguồn bến phà Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu. Dự kiến, sẽ hoàn thành các chủ trương, thủ tục pháp lý hoạt động của dự án tuyến du lịch đường sông (từ quý IV-2016 đến hết quý II-2017). Từ quý II đến quý IV-2017 sẽ hoàn thành nhà chờ bến tàu Nguyễn Văn Trị và đưa ca nô hoạt động phục vụ khách du lịch đường sông, tham quan các di tích tuyến hạ nguồn và Cù lao Ba Xê. Hiện tại, thành phố đã trang bị 10 ca nô loại trung (28 chỗ), đang neo đậu tại bến tàu Nguyễn Văn Trị.
 
Thời gian vừa qua, trong giai đoạn chờ cấp phép theo đúng quy hoạch, một số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn đã bước đầu thử nghiệm, đưa khách tham gia tuyến du lịch trên sông. Dự kiến, sau khi chính thức đi vào hoạt động, các đơn vị sẽ khai thác thêm các tour như: Sài Gòn - Cù lao Ba Xê; Sài Gòn - Ba Xê - Biên Hòa - Tân Triều - Hiếu Liêm; Biên Hòa - Cù lao Ba Xê; du lịch tâm linh trên sông; toàn cảnh kinh tế sông Ðồng Nai nhằm thu hút du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
 
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðồng Nai cũng sẽ ban hành một chuyên đề về phát triển du lịch kết hợp với chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020. Bên cạnh các dự án lớn đi vào hoạt động thì tỉnh sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ tốt nhất cho phát triển du lịch. 
 
My Ny
Nguồn: www.dongnai.gov.vn