Những thách thức chính đối với du lịch đường sông Mê Kông

Cập nhật: 12/05/2020
(TITC) – Sông Mê Kông chảy qua biên giới các nước nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Với chiều dài 4.350km, đây là dòng sông dài thứ 12 trên thế giới và dài thứ 7 châu Á. Du lịch đường sông dọc theo sông Mê Kông là một loại hình du lịch mới nổi có tiềm năng lớn để phát triển và hỗ trợ sinh kế của người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Để hỗ trợ các các nước trong khối ASEAN phát triển sản phẩm du lịch đường sông trên sông Mê Kông phù hợp với mục tiêu phát triển của các quốc gia thành viên, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã phân tích và chỉ ra những thách thức đối với sự phát triển của du lịch đường sông ở khu vực bao gồm những thách thức về xây dựng chính sách và quy hoạch, phát triển sản phẩm, xúc tiến và quảng bá, phát triển bền vững, hợp tác công-tư, an ninh và an toàn. Cùng với đó, UNWTO cũng xem xét một số vấn đề khác đối với sự phát triển du lịch đường sông Mê Kông, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ… đồng thời giúp đỡ cộng đồng cũng như khu vực tư nhân trong việc lập kế hoạch và mở rộng các hoạt động du lịch dọc theo sông Mê Kông.

Cơ sở hạ tầng bến cảng

Cơ sở hạ tầng bến cảng tại các thành phố và điểm đến du lịch cộng đồng dọc theo sông Mê Kông có chất lượng rất khác nhau. Những cảng nằm trong lịch trình du lịch đường thủy dài ngày cần trang bị đầy đủ khả năng, tiện nghi neo đậu để đảm bảo đi lại an toàn cho du khách khi dời và cập bến, đặc biệt là đối với những du khách cao tuổi. Ngân hàng Phát triển châu Á đã triển khai một dự án hỗ trợ xây dựng một số cầu cảng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Một cảng sông lý tưởng cần đảm bảo những yếu tố đạt chuẩn quốc tế sau: Nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN; Các nhà hàng/quán ăn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế; Hệ thống xử lí rác thải; Có thể phát triển nghề thủ công và buôn bán các sản phẩm thủ công để tạo thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số; Trung tâm thông tin phục vụ du khách; Cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc đón, trả khách; Hệ thống sơ cứu y tế cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo về y tế; Hệ thống tàu thuyền cứu hộ cùng đội ngũ nhân viên cứu hộ được đào tạo bài bản; Hệ thống cung cấp nhiên liệu; Có đường bộ để tiếp cận các điểm du lịch lân cận.

Vận hành và bảo dưỡng

Ở những nơi có cơ sở hạ tầng tốt thì việc vận hành và duy tu bảo dưỡng lại ở mức độ thấp. Có thể thấy nhiều tiện nghi công cộng như nhà vệ sinh và khu vực chờ khá nhếch nhác và công tác duy tu kém. Các bến neo đậu ít được quan tâm bảo dưỡng. Cửa hàng ăn nhanh có thực đơn không phong phú và các khu chợ thì quá đông đúc, hàng hóa nghèo nàn, trùng lặp.

Thiết bị hỗ trợ điều hướng

Ở một số nơi trên sông Mê Kông, hoạt động du lịch đường sông gặp nhiều khó khăn do sử dụng các thiết bị hỗ trợ điều hướng không đồng nhất về chất lượng và tiêu chuẩn. Mặc dù phần sông Mê Kông tại Lào (từ Houei Xay tới Luang Prabang) đã được xác định trên bản đồ nhưng ở Lào chưa sử dụng nhiều các thiết bị điều hướng đường thủy hiện đại. Cần nghiên cứu khảo sát để triển khai hệ thống đo sâu hồi âm đa tia ở đoạn sông Mê Kông từ Luang Prabang đến Viêng Chăn. Hệ thống này hỗ trợ việc đi lại trên sông vào ban đêm tránh được tai nạn. Theo Ủy ban sông Mê Kông (MRC), Lào có 130 thuyền trưởng nắm rõ địa hình sông Mê Kông. Tuy nhiên, những kiến thức và kinh nghiệm này không được ghi chép thành tài liệu mà chỉ được chia sẻ trong một cộng đồng nhỏ giữa những thành viên gia đình và bạn bè.

An ninh, an toàn

Vấn đề an ninh, an toàn liên quan đến vận hành tàu thuyền, vệ sinh an toàn thực phẩm và trang thiết bị y tế tại hầu hết các vùng trên sông Mê Kông đều yếu kém. Sau một vụ tai nạn đường sông tại Lào làm 10 học sinh chết đuối, tờ Thời báo Viêng Chăn đã giải thích rằng ở Lào chưa ban hành luật về giao thông đường thủy. Bài viết này nhấn mạnh đã đến lúc Chính phủ Lào phải thiết lập các quy định, chế tài quản lí tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh vận chuyển đường thủy nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách và cung cấp áo phao cứu sinh trong trường hợp khẩn cấp. Tình trạng thiếu các tiêu chuẩn an toàn được quốc tế công nhận đã làm một số công ty lữ hành trong nước không thể mua bảo hiểm du lịch theo yêu cầu của các đối tác lữ hành quốc tế.

Đập thủy điện

Khu vực thượng nguồn sông Mê Kông có rất nhiều đập thủy điện, cả trên dòng chính và các phụ lưu. Theo báo cáo, số lượng đập tại Lào dự kiến có thể lên đến 200, trong đó 60 đập đang được triển khai. Các thủy điện có công suất trung bình 300MW, trong khi thủy điện Sayabouly sắp tới sẽ đạt ngưỡng 1400MW. Báo cáo cũng cho thấy nhiều đập thủy điện hoạt động không hiệu quả, bên cạnh đó lớp trầm tích dầy sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc sông Mê Kông trong trung và dài hạn. Dưới góc độ du lịch, một số đập thủy điện có tiềm năng trở thành điểm du lịch. Tuy nhiên, nhiều điểm có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cũng sẽ hứng chịu những tác động tiêu cực từ các thủy điện này. Một thách thức đối với nhiều doanh nghiệp du lịch là thiếu thông tin liên quan đến các dự án thủy điện, khiến cho họ không thể biết trước những thay đổi có thể xảy ra trong giao thông đường sông.

Cảng xuất phát

Một trong những điểm hấp dẫn của chương trình du lịch đường sông dài ngày là thủ tục check-in/out một lần, đặc biệt là đối với những du khách cao tuổi. Thủ tục này cho phép hạn chế những phiền hà cố hữu trong việc đón, trả khách nhiều lần trong các hành trình qua nhiều điểm đến. Yếu tố quan trọng đối với du lịch đường sông là việc đón, trả khách và bổ sung lương thực, thực phẩm. Điều này chỉ có thể thực hiện dễ dàng tại các bến cảng đầy đủ điều kiện, được quy hoạch tốt và hoạt động hiệu quả, điển hình là những bến cảng gần cảng hàng không quốc tế. Phần lớn các bến cảng không đủ khả năng phục vụ theo cách thức này, ngoại trừ bến cảng ở Phnom Penh (Cam-pu-chia) và Mỹ Tho (Việt Nam),.

Hợp tác công-tư thiếu hiệu quả

Quan hệ đối tác giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư đặc biệt cần thiết đối với phát triển du lịch đường sông. Không thể xem nhẹ tầm quan trọng của việc hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các ủy ban đường sông và các cơ quan quản lý đường thủy nội địa. Môi trường sông sạch sẽ, an toàn cùng với cảnh quan đô thị hoặc nông thôn là nguồn tài nguyên chính để phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách ưa thích du lịch đường sông. Du lịch nói chung và du lịch đường sông nói riêng phát triển tốt hay không tùy thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ của khu vực tư dù chậm nhưng ngày càng tích cực hơn trong thời buổi tự do hóa. Du lịch sông Mê Kông có lẽ chưa phải là một lĩnh vực thật sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên loại hình du lịch này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nếu quan hệ hợp tác công – tư được thắt chặt và phát huy hiệu quả.

Thiếu nhận thức về du lịch đường sông

Dọc theo dòng Mê Kông, đặc biệt là các phụ lưu có vô vàn cơ hội để phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch đường sông (ví dụ như du lịch mạo hiểm). Những cơ hội này vẫn còn ở dạng tiềm ẩn do thiếu nhận thức chung về phát triển du lịch đường sông. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế sẽ mang lại cơ hội phát triển các loại hình vui chơi giải trí, các môn thể thao dưới nước và bảo tồn môi trường sông nước. Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch đường sông rất cần thiết và hữu ích với các quốc gia liên quan.

Phổ biến thông tin và xúc tiến, tiếp thị không phù hợp

Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tổ chức tuyên truyền thông tin du lịch còn thiếu hiệu quả, làm cho tỷ lệ du khách tham gia các chương trình du ngoạn trên sông thấp. Do đó, du lịch đường sông đến nay vẫn kém phát triển và ít được các cơ quan du lịch quốc gia quan tâm.

Có thể học hỏi kinh nghiệm quảng bá và tiếp thị sản phẩm du lịch sông Danube. Trung tâm Phát triển sông Danube đã thiết lập và hỗ trợ mạng lưới các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch của toàn khu vực sông Danube, thông qua đầu tư xây dựng kỹ năng cho nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác xuyên quốc gia, thúc đẩy sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên.

Hiện nay Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông mới đang chỉ làm một số trong những hoạt động này. Do vậy, nếu đẩy mạnh được nỗ lực chung quảng bá du lịch sông Mê Kông thì sẽ mang đến lợi ích cho tất cả các thành viên. Tiếp thị du lịch sông Mê Kông cần dựa trên một sản phẩm chung của các nước liên quan; sử dụng tờ rơi, áp phích và các phương tiện nghe nhìn (phim, DVD, CD), quảng bá trên một chuyên trang website của Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Kông và gắn liên kết với www.MekongTourism.org. Mặc dù các mỗi nước thành viên đều có tài liệu quảng bá du lịch nói chung ở chất lượng cao nhưng đều chưa quan tâm nhiều đến quảng bá du lịch đường sông. Xây dựng một thương hiệu mới có ý nghĩa sống còn đối với thành công của du lịch sông Mê Kông.

Chính sách thị thực

Yêu cầu kiểm tra hộ chiếu và thị thực tại các cửa khẩu của các quốc gia tiếp giáp trên sông Mê Kông vẫn là một rào cản đối với sự phát triển du lịch đường sông. Mặc dù, vấn đề thị thực ngày càng được tạo điều kiện thông thoáng hơn (ví dụ, gần đây Việt Nam miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu), nhưng nói chung quy trình vẫn còn phiền hà và tốn kém. Thị thực chung khu vực Schengen tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại trong Liên minh châu Âu và là một lợi thế lớn đối với các sản phẩm du lịch sông Danube; đây là một kinh nghiệm tốt cần được nhân rộng trong khu vực sông Mê Kông. Theo nghiên cứu gần đây của Tổ chức Du lịch thế giới về những lợi ích của chính sách thị thực thông thoáng, các quốc gia châu Á đang trở nên cởi mở hơn các quốc gia ở châu lục khác trong chính sách thị thực. Cần xem xét cải thiện quy trình cấp thị thực để tạo thuận lợi cho du lịch sông Mê Kông.

Phát triển bền vững và ô nhiễm môi trường sông Mê Kông

Một trong những vấn đề quan trọng đối với phát triển bền vững du lịch đường sông là thu gom và xử lý rác thải. Sông Mê Kông bị ô nhiễm do rác thải công nghiệp và chất dẻo không thể phân hủy. Melaka (Ma-lai-xia-a) là một trường hợp điển hình về bị ảnh hưởng ô nhiễm bởi rác thải trên sông và cần rất nhiều nỗ lực để cải thiện tình trạng này. Phát triển bền vững liên quan đến sự phát triển của cộng đồng và vấn đề phát triển bền vững càng cần phải được quan tâm mạnh mẽ do có rất nhiều cộng đồng bản địa sinh sống dọc theo sông. Cần tuyên truyền cho cộng đồng địa phương về những lợi ích của du lịch đường sông như thúc đẩy phát triển kinh và cải thiện an sinh xã hội. Tăng cường công tác quản lý điểm đến cũng có thể giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực đến những nhóm dễ bị tổn thương, không được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch.

Biến đổi khí hậu và thay đổi mực nước theo mùa

Có thể đi lại quanh năm trên phần lớn sông Mê Kông, tuy nhiên điều này có thể thay đổi trong tương lai do những mối đe dọa của biến đổi khí hậu. Mặc dù lũ lụt vẫn tàn phá các con sông trong thời gian qua, nhưng mực nước của sông lại ngày càng giảm. Các con đập và nhà máy thủy điện trên sông Mê Kông không ảnh hưởng nhiều đến mực nước sông. Tuy nhiên, thiếu mưa là nguyên nhân chính của mực nước thấp. Số liệu của Ủy ban sông Mê Kông cho thấy mực nước sông Mê Kông đo tại Luang Prabang năm 2015 có xu hướng giảm đáng kể.

Trung tâm Thông tin du lịch