Lạng Sơn: Khai thác tiềm năng xây dựng và phát triển công viên địa chất

Cập nhật: 06/09/2022
Sở hữu nhiều loại hình di sản, đặc biệt là di sản địa chất và văn hóa, Lạng Sơn hiện có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng công viên địa chất toàn cầu. Đây là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị về di sản, cũng là cơ hội để nâng tầm du lịch Xứ Lạng.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, được biết đến là phên giậu biên thuỳ, nơi có thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa sắc màu. Văn hóa Lạng Sơn được hình thành và phát triển đa dạng gắn với nền văn hóa Mai Pha và nền văn hóa Bắc Sơn rực rỡ.

Địa phương này còn là nơi lưu giữ của hệ thống di chỉ khảo cổ như (Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, Phai Vệ..); các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như (Ải Chi Lăng, Ải Nam Quan, Đoàn Thành, Bắc Sơn, Bó Củng, Lũng Vài, Đường số 4 anh hùng, khu di tích Nhị Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc…).

Hệ thống núi đá tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Bên cạnh đó là các lễ hội truyền thống vừa gắn liền với tín ngưỡng văn hóa bản địa vừa thể hiện nét giao lưu văn hóa tộc người như (lồng tồng, cầu mùa, Kỳ Cùng - Tả Phủ, Ná Nhèm, Bắc Lệ…); các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như (then, sli, lượn, múa sư tử…); các loại trang phục dân tộc (Tày, Nùng, Dao…); các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống, tri thức dân gian và các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu khác.

Trải qua quá trình phát triển, quần cư đã hình thành hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, địa chất, đa dạng sinh học.... Chính những giá trị tài nguyên trên là điều kiện, yếu tố để Lạng Sơn phát triển các mô hình kinh tế gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa theo hướng vền vững. Trong những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực quan tâm đầu tư, quản lý, bảo tồn các giá trị di sản trên song song với khai thác, phát huy để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Qua khảo sát, Lạng Sơn được các chuyên gia đến từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới công viên địa chất Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất đánh giá cao về tiềm năng di sản địa chất phong phú, đặc biệt là hệ thống hang động, thạch nhũ còn bảo tồn tốt…

Các thung lũng giữa núi phân cách nhau bởi các cụm đỉnh dạng chóp nón, yên ngựa nối đỉnh, tạo nên địa hình của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất, nhiều phân vị địa chất, mặt cắt địa chất chuẩn, nhiều kiểu loại hóa thạch…

Thời gian qua, các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng dự thảo Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, dự kiến Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh bao gồm trọn vẹn khối đá vôi Bắc Sơn, thuộc địa bàn của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8km2, dân số 375.656 người, tương ứng chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh.

Việc thành lập công viên địa chất là phương án bảo tồn hiệu quả nhất giá trị di sản địa chất, tài nguyên tại địa phương

Mục tiêu của việc thành lập, xây dựng và phát triển công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh - quốc phòng của khu vực công viên địa chất nói riêng, tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung.

Khu vực công viên địa chất Lạng Sơn hiện còn bảo tồn được đầy đủ 7 nhóm loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Tiếng nói và chữ viết, tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. 

Việc thành lập, xây dựng và phát triển công viên địa chất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Lạng Sơn, phát triển nhanh và bền vững du lịch trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bền vững.

Thanh Hoa

Nguồn: TCĐT thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 06/09/2022