Phát triển du lịch văn hóa từ di sản Ðào Tấn - Bình Định

Cập nhật: 26/12/2022
Ở tỉnh Bình Ðịnh, huyện Tuy Phước là địa phương giàu tiềm năng về du lịch văn hóa, trong đó nổi bật là quần thể di tích ghi đậm những dấu ấn về thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hóa Ðào Tấn (1845 - 1907).

Sinh thời, Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý. Ông làm thơ, mở nơi dạy diễn tuồng nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp soạn tuồng. Với những kiệt tác như: Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm hương các… ông là nhà soạn tuồng vĩ đại được tôn vinh là hậu tổ của nghệ thuật hát tuồng. 

Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn. Ảnh: N.H.S

Mộ Đào Tấn tọa lạc tại núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia từ năm 1998. Khi còn tại thế, ông đã cất công lựa chọn sinh phần hợp ý mình nằm giữa rừng mai, có tầm nhìn khoáng đạt, gởi nơi đó cốt cách thanh cao của mình. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di tích này, tháng 11.2022, sau khi khảo sát, Sở VHTT đã xúc tiến thủ tục lập dự án để sớm triển khai trùng tu, tôn tạo di tích này trong năm 2023.

Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn tại thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc - quê hương ông, là trung tâm quần thể những di tích liên quan đến hậu tổ tuồng lừng danh. Đó là một vùng không gian cảnh quan rộng rãi, khoáng đạt, nét kiến trúc công trình đền thờ tôn nghiêm nhưng thân thiện, ấm áp; bên trong đền trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh khá chuyên nghiệp giúp khách tham quan dễ dàng nắm được thân thế, sự nghiệp Đào Tấn và có những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật tuồng; cũng như những giá trị vượt tầm thời đại của những vở tuồng do tác giả Đào Tấn chuyển tải. Sân vườn ở không gian đền thờ Đào Tấn có vẻ đẹp nhã nhặn, thanh tao. Tại không gian này, huyện Tuy Phước đang đầu tư xây dựng nhà biểu diễn tuồng mô phỏng Học bộ đình nổi tiếng mà sinh thời Đào Tấn lập ra nhằm đào tạo nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn tuồng. Cùng đó, huyện Tuy Phước cũng đang xây dựng một đội tuồng chuyên biểu diễn phục vụ khách tham quan.

Hiện nay, tại từ đường nơi Đào Tấn sinh thành, hậu duệ của ông còn lưu giữ nhiều kỷ vật gốc của Đào Tấn như cây gậy trúc ông dùng lúc sinh thời, nhiều sắc phong mà triều đình Huế vinh danh ông... Có rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật tuồng, nghiên cứu về Đào Tấn, nghệ sĩ tuồng, nhà báo và người quan tâm đã đến thăm viếng và tìm hiểu tại di tích này.

Cách không xa Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn là cổng đình làng Vinh Thạnh. Đây là ngôi đình làng hiếm hoi nếu không muốn nói là cổng làng cổ xưa duy nhất còn lại ở tỉnh Bình Định đến nay. Đình làng Vinh Thạnh không những lưu giữ những đường nét văn hóa làng đậm chất Bình Định, mà còn là nơi thờ bài vị Đào Tấn, người mà dân làng Vinh Thạnh tôn vinh như một vị thành hoàng bảo trợ cuộc sống dân làng. Ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng Phòng VHTT huyện cho biết, công trình trùng tu, tôn tạo đình Vinh Thạnh sẽ được triển khai vào đầu năm 2023.

Quần thể di tích Đào Tấn là một nguồn tài nguyên du lịch chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc thù, rất riêng và hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch văn hóa của Tuy Phước nói riêng và Bình Định nói chung. Điều đáng tiếc là những điểm riêng, những giá trị độc đáo trong sáng tạo vượt thời gian, đưa Đào Tấn lên tầm một trong những kịch tác gia xuất sắc của nhân loại hầu hết còn nằm yên trong những tài liệu có phạm vi tiếp cận hẹp, chúng chưa được hệ thống để có thể giới thiệu quảng bá rộng rãi với các nhà nghiên cứu và du khách. Nhiều năm qua việc tái tạo, phục hồi rừng mai ở khu mộ nơi Đào Tấn yên nghỉ được nhắc đến nhiều lần nhưng đến nay tại núi Huỳnh Mai chủ yếu vẫn là keo lai, bạch đàn.

Sự bùng nổ của du lịch Bình Định khiến ngày càng có thêm không ít người du lịch đến Bình Định vì sự quan tâm đến văn hóa - lịch sử. Điều này vừa trở thành động lực vừa tạo ra sức ép lên những địa phương có tiềm năng lớn và điều kiện giao thông thuận lợi như Tuy Phước. Nhưng điều đáng tiếc là những địa phương như vậy lại chưa được chuẩn bị tốt. Cho đến nay, phần nhiều những việc đã làm được hầu hết đều mới chỉ hướng đến nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống văn hóa, những nội dung có thể ứng dụng vào phát triển du lịch phần nhiều có được là nhờ ngẫu nhiên, Tuy Phước không phải là ngoại lệ. Để có thể nhanh chóng phát triển du lịch văn hóa từ di sản liên quan đến Đào Tấn, có lẽ nên sớm liên kết với các công ty du lịch lữ hành, thiết kế những tour du lịch chuyên đề, quảng cáo thông tin về di sản đến với nhiều nơi trong và ngoài nước trên nhiều kênh truyền thông khác nhau.

Ngô Đồng Sơn

Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 25/12/2022