Bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển ở Trà Vinh

Cập nhật: 04/08/2023
Tỉnh Trà Vinh đang tăng cường quản lý và phát triển rừng nhất là rừng phòng hộ trên bãi bồi để phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp phát triển rừng với nuôi thủy sản, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, tỉnh có hơn 65 km bờ biển, có hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và nhiều tuyến sông ngòi. Những năm gần đây, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cộng thêm vấn nạn khai thác cát sông trái phép dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, đê điều nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa bão. Hiện nay trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố đều có điểm sạt lở bờ biển, bờ sông với các mức độ khác nhau.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, trong 10 năm trở lại đây tỉnh Trà Vinh đã ghi nhận nhiều biểu hiện về sự thay đổi của các yếu tố khí tượng thủy văn như: Sự gia tăng nhiệt độ trong đó ghi nhận năm 2016 là năm có mức nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm với mức nhiệt trung bình là 27,4 độ C và nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 37,7 độ C cao nhất từ năm 1980 đến nay; lượng mưa có xu thế giảm; mực nước cực đại tăng ở mức 0,96 cm – 1,0 cm/năm.

Biến đổi khí hậu còn tác động đến sự gia tăng các hiện tượng cực đoan điển hình như đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 và gần đây nhất là xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 -2020 là đợt xâm nhập mặn lịch sử của tỉnh Trà Vinh và khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Địa phương này đã công bố tình trạng khẩn cấp khắc phục sạt lở nhiều đoạn đê bao. Trong đó, có các điểm xung yếu: Đoạn sông đang bị sạt lở nghiêm trọng thuộc ấp Đức Mỹ A và Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; đoạn đê bao ven kênh Bắc Trang, ấp Tân An, xã An Quảng Hữu; đoạn đê bao ven sông Hậu; đoạn đê bao khu dân cư ấp Vàm, xã Lưu Nghiệp Anh, cùng huyện Trà Cú...

Những cánh rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn tỉnh được ví như "bức tường xanh" chắn sóng, hạn chế thiên tai như mưa lũ, sạt lở bờ biển... 

Cùng với các giải pháp được triển khai nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Trà Vinh đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn ven biển. Nhiều năm qua, từ các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh, vùng đất ngập nước ven biển Trà Vinh đã có thêm hàng nghìn hecta rừng ngập mặn chắn sóng, bảo vệ đê biển...

Trà Vinh nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu, tiếp giáp Biển Đông. Vùng ven biển tỉnh Trà Vinh hình thành và phát triển được dãy rừng ngập mặn đa dạng và phong phú, có ý nghĩa rất lớn về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa - lịch sử và quốc phòng - an ninh. Do vậy, tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương và Nhân dân khôi phục và phát triển rừng ven biển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 9.538ha rừng bần, đước, mắm, cốc, chà là..., độ che phủ của rừng đạt 4,07%. Trong đó, rừng trồng 6.583ha, rừng phòng hộ 5.410ha, rừng sản xuất 3.790ha.

Tháng 12/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án đầu tư khu bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn Long Khánh, huyện Duyên Hải với mục đích khôi phục, phát triển rừng, tái tạo sự đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn để phục vụ tham quan du lịch sinh thái và xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Khu bảo tồn có 897ha rừng ngập mặn, chủ yếu là các loại cây đước, mắm, cốc, giá, chà là. Trong đó, diện tích rừng đước hơn 30 năm tuổi còn lại 183ha. Vùng đất ngập mặn ven biển Trà Vinh chỉ duy nhất ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải tồn tại hệ sinh thái rừng đước lâu năm với nguồn đa dạng sinh học quý giá, nhiều loại động vật quý hiếm như: kỳ đà, chồn, sóc, rắn hổ mang, các loài chim hoang dã từ khắp nơi kéo đến cư trú.

Các địa phương đẩy mạnh trồng mới, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, đồng thời phát triển sinh kế dưới tán rừng. 

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân và tăng cường công tác giám sát, bảo vệ rừng theo đúng các quy định của pháp luật.

Theo đó, hộ nông dân và các tổ chức khi thực hiện trồng rừng trên đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ nông dân hoặc theo các quy định của pháp luật hiện hành (cây đước) đạt diện tích tập trung từ 0,3 ha trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, nhưng không quá 37 triệu đồng/ha, tăng gần 4,5 lần so chính sách hỗ trợ trồng rừng trước đây. Trà Vinh cũng đã triển khai đến các cá nhân, tổ chức nhận hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng được hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha/năm; trong đó vốn Trung ương cấp là 300 nghìn đồng, vốn ngân sách tỉnh là 200 nghìn đồng. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, trồng mới khoảng 795 ha rừng nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của tỉnh gần 10.000 ha và đạt độ che phủ 4,2%.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng ngập mặn tỉnh hướng đến mục tiêu bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai triều cường, nước biển dâng và biển xâm thực vào đất liền dọc theo chiều dài 65 km đường bờ biển của tỉnh. Cùng với đó, việc phát triển diện tích và chăm sóc bảo vệ rừng còn tạo ra việc làm cho hộ nông dân, nhất là phát triển mô hình rừng – tôm tạo nguồn thu nhập bền vững cho hộ dân vùng ven biển.

Năm 2022, Trà Vinh triển khai Dự án phục hồi rừng ngập mặn trên diện rộng. Theo kế hoạch, Dự án trồng 50ha rừng ngập mặn (trồng mới 12ha và trồng bổ sung 38ha, chủ yếu cây bần và đước) tại tỉnh Trà Vinh, góp phần tăng diện tích, độ che phủ rừng toàn tỉnh, được triển khai tại khu vực bãi bồi thuộc cù lao ấp Long Trị (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh), bãi bồi ven biển và khu vực rừng ven sông thuộc các huyện Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Ngang; nhằm phát triển rừng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm tăng cường mời gọi xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư cho tỉnh trồng hơn 110ha rừng ngập mặn trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia, rừng phòng hộ ven biển nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chức năng phòng hộ, bảo vệ đời sống và sinh kế cho người dân vùng ven biển, nơi sinh sống của nhiều loài động vật có giá trị đa dạng sinh học cao. Trong những thập kỷ gần đây, rừng ngập mặn còn đem lại những giá trị kinh tế dưới hình thức các dịch vụ môi trường rừng; trong đó, có thể kể đến như hấp thụ và lưu trữ cacbon; chống xói lở bờ biển; cung ứng nước sạch, lọc kim loại nặng và chất ô nhiễm; cung ứng bãi đẻ cho động vật thủy sinh; dịch vụ vẻ đẹp cảnh quan và cung cấp nguyên liệu thực phẩm.

Tại Việt Nam, rừng ngập mặn trải dài trên 3.260 km đường bờ biển với khoảng 150.000 ha, trong đó, khoảng 70% diện tích rừng ngập mặn tập trung tại các tỉnh phía Nam. Với vai trò là “bức tường xanh”, rừng ngập mặn cũng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường.

Thu Trang

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 01/08/2023