Độc đáo chùa Khmer ở Trà Vinh

Cập nhật: 28/08/2023
Nếu đã đặt chân đến Trà Vinh mà không ghé thăm những ngôi chùa ở nơi đây, có thể nói chuyến đi đó của bạn vẫn chưa thật sự trọn vẹn. Trà Vinh là nơi có kho tàng văn hóa đa dạng, nhất là văn hóa vật thể và phi vật thể của người Khmer. Một trong số đó là các công trình kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa, đã tạo nên nét đẹp riêng biệt.

Quang cảnh chùa Âng, một trong những ngôi chùa Khmer tiêu biểu ở tỉnh Trà Vinh. (Ảnh Mỹ Hà)

Ở Trà Vinh mỗi mùa đều mang đến một nét đẹp riêng. Nếu bạn đến để tham quan chùa Khmer thì nên chọn vào khoảng từ tháng 7 tới tháng 10 âm lịch, thời điểm thường diễn ra các lễ hội đặc sắc. Ngoài cơ hội tìm hiểu về kiến trúc của những ngôi chùa Khmer, du khách còn có thể trải nghiệm vẻ đẹp văn hóa và cuộc sống của người dân Khmer sinh sống trên mảnh đất Trà Vinh.

Cùng với tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm xấp xỉ 30% số dân; phần đông theo đạo Phật, phái Nam tông. Trong đời sống tinh thần của người Khmer, ngôi chùa không chỉ là nơi tu hành, thực hiện các lễ thức Phật giáo mà còn là nơi bảo tồn, truyền thừa các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo thống kê, tỉnh Trà Vinh có 143 ngôi chùa Khmer, trong đó chùa Âng được xem là một trong những ngôi chùa lớn, tiêu biểu nhất. Chùa Âng, gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Raig Borei, tọa lạc cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 5km, diện tích rộng, chung quanh chùa được bao bọc bởi hệ thống cây xanh cổ thụ. Khuôn viên chùa Âng là một quần thể các công trình kiến trúc bao gồm tăng xá, giảng đường dạy chữ Paly và chữ Khmer… bao quanh ngôi chánh điện uy nghi. Ngôi chùa quay mặt về hướng đông, thể hiện tư tưởng Phật giáo là Phật Thích Ca ở tây phương nhìn về hướng đông để độ trì chúng sinh.

Từ cổng chính vào là một lối đi rộng giữa hai hàng sao cổ thụ thân to, cao vút vừa che mát không gian, vừa tạo ra thế uy nghiêm cho ngôi chùa. Lối đi ngang qua hào nước rộng chừng 4 m, dài hơn 400 m. Theo truyền thuyết, chùa Âng được hình thành từ nhiều thế kỷ trước nhưng được xây dựng quy mô như hiện nay vào năm Thiệu Trị thứ 3, tức năm 1842 dương lịch. Từ đó đến nay, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, trong đó xây dựng mới các công trình phụ như nhà tăng xá, trai đường… nhưng ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu mới hình thành.

Trung tâm của ngôi chùa Khmer là ngôi chánh điện (Preah Vihea) thờ Phật, nơi hội tụ và phản ánh trình độ của các nghệ nhân đương thời về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc… Mái chánh điện chùa Âng được cấu tạo độc đáo, bao gồm ba cấp mái có màu sắc đẹp và hài hòa, trong đó hai mái trên cùng rất cao và dốc, tạo ra cảm giác linh thiêng mà phật tử phải hết sức khiêm cung khi ngước nhìn. Hai đầu hồi được đóng kín bằng hai tấm gỗ hình tam giác chạm khắc rất công phu. Các diềm mái được trang trí hình rồng thân nằm xoãi dài, vảy rồng uốn cong ngược lên, tạo cảm giác mái ngói vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát. Bệ thờ Phật trong chánh điện chùa Âng cũng được các nghệ nhân thời ấy tập trung công sức thể hiện. Phía trước ngôi chánh điện là ngôi tháp chứa di cốt các vị sư cả trụ trì chùa qua các thời kỳ. Ðiều đặc biệt, đây là ngôi tháp năm ngọn duy nhất trong các ngôi chùa Khmer Trà Vinh. Tháp năm ngọn là sự ảnh hưởng tư tưởng Ấn Ðộ giáo về vũ trụ, thiên nhiên và con người.

Trải qua gần hai thế kỷ vững vàng, uy nghi tồn tại trước tác động của thời tiết và thời gian, ngôi chánh điện chùa Âng là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng, của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nói chung bởi các giá trị độc đáo mang tính đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc đậm đà bản sắc văn hóa Khmer, có sự giao lưu nhất định với văn hóa Việt, Hoa, Ấn Ðộ, Thái Lan… Với những giá trị vật chất, tinh thần lớn lao đó, năm 1994 chùa Âng được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Ngày nay, chùa Âng là một trong những ngôi chùa Phật giáo Khmer tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội, trong đó có lễ hội Ok om bok-một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Di tích chùa Âng cùng với di tích lịch sử-văn hóa Ao Bà Om (loại hình danh thắng), Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và Trung tâm Văn hóa-Thể thao tỉnh hình thành một khu sinh hoạt văn hóa và là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch Trà Vinh.

Rời chùa Âng, địa điểm tiếp theo mà du khách nên đặt chân đến là chùa Hang. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, chùa Hang còn được biết đến bởi sự độc đáo của sân chim và những tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ do chính những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các vị sư nghệ nhân của nhà chùa kỳ công sáng tạo. Ban đầu, ngôi chùa quay mặt về hướng đông, nhìn ra dòng sông Long Bình, nơi có bến ghe xuồng gần bên gốc đa để bà con phum sóc tiện lên chùa nghe kinh, lễ Phật nên có tên Wat Kompong Ch’rây (Chùa Bến Cây Ða).

Chùa được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Năm 1968 trong sự kiện Tết Mậu Thân, chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Năm 1977, sư Thạch Suông (nay là sư trụ trì đời thứ 23) trở về, và vận động phục dựng lại chùa. Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở nên khang trang và bề thế. Người dân quen gọi là chùa Hang bởi cổng phụ phía tây, được xây giống như một hệ thống 3 hang động sát nhau. Trong đó, cổng chính giữa là một hang lớn, hai cổng hai bên là hai hang nhỏ. Cả ba cổng đều được xây kiên cố với bức tường dày 12 m, tạo cảm giác đứng trong cổng như đang trong hang đá.

Khuôn viên chung quanh chùa Hang thật sự là khu rừng nguyên sinh với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu chen nhau thành nhiều tầng cao thấp khác nhau rất có giá trị về mặt sinh quyển. Từ năm 1990 trở lại đây, chùa trở thành nơi quần tụ của nhiều loại chim. Ngay khi có hiện tượng chim quần tụ trở về, sư sãi và bà con trong phum sóc rất vui mừng.

Nhà chùa đặt ra những quy định bảo vệ chim và bảo vệ cây rừng rất nghiêm ngặt, tạo ra môi trường tự nhiên an bình cho những đàn chim trở về trú ngụ ngày càng đông hơn. Ngày nay, trên khuôn viên chùa Hang có đến hàng trăm cá thể chim các loại, nhiều nhất là cò trắng, cò ngà, cò cổ đỏ và diệc. Ngồi trong khuôn viên chùa, du khách có thể dễ dàng quan sát trong tầm mắt, những cánh chim trời, tỏa đi tìm thức ăn trên những cánh đồng, dòng sông gần đó; rồi lần lượt tìm về, mang theo thức ăn cho những chim non đang mong ngóng, tạo ra không khí huyên náo cho cả khu rừng chốn thiền môn yên tĩnh.

Ðến các phum, sóc Khmer ở Trà Vinh, cứ vào khoảng 8 đến 11 giờ, du khách bắt gặp nhóm nhà sư đi khất thực. (Ảnh Thủy Nguyên)

Tại chùa Hang, du khách có cơ hội chứng kiến các nghệ nhân và công nhân xưởng điêu khắc gỗ bằng nhiều dụng cụ khác nhau, chế tác thủ công tạo hình các tác phẩm đặc sắc từ những gốc cây đủ loại, đủ kích cỡ và hình thù. Qua gần 30 năm hoạt động, xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật chùa Hang đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau. Tất cả tác phẩm từ xưởng điêu khắc gỗ chùa Hang, dù lớn dù nhỏ, đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Ðến tham quan, du khách có thể chọn mua hoặc đặt hàng cho chuyến tham quan sau những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ mà mình ưng ý nhất.

Nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh 35 km, là ngôi chùa Vàm Rây, nổi tiếng là chùa Khmer lớn nhất hiện nay và sở hữu phong cách kiến trúc đẹp đầy ấn tượng theo hệ Nam tông Phật giáo. Với niên đại khoảng 600 năm tuổi cùng với thiết kế kiến trúc mang phong cách đặc trưng Angkor Khmer chính là niềm tự hào của đồng bào người dân Khmer tại Trà Vinh. Lối vào chính điện có 4 cửa ra vào, cửa chính nằm ở hướng phía đông, chùa mang đến cảm giác như một tòa cung điện uy nghi, lộng lẫy với những đường nét điêu khắc vô cùng tinh xảo với những họa tiết hoa văn mang mầu vàng óng hài hòa giữa phong cách nghệ thuật của chùa cùng với nghệ thuật chạm khắc dân gian tạo nên vẻ đẹp cổ kính. Không chỉ nổi bật bởi kiến trúc độc đáo mà còn nổi bật bởi tượng đức Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 54 m, cao 20 m, ngang 16 m được sơn phủ sơn son thếp vàng.

Với gần 150 ngôi chùa của người Khmer, gần 60 ngôi chùa của người Kinh và người Hoa, du khách khi đến Trà Vinh tham quan như lạc vào miền đất Phật, được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh đặc sắc, tham quan và chiêm ngưỡng những am, chùa với nét kiến trúc cổ kính độc đáo.

Tuấn Dũng, Minh Khởi

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 26/8/2023