Bà Rịa - Vũng Tàu: Vòng thành Đá Trắng - Di chỉ thành cổ Nam Bộ duy nhất còn sót lại

Cập nhật: 12/09/2023
Nhiều chuyên gia khẳng định Vòng thành Đá Trắng là di chỉ thành cổ có giá trị độc đáo trong tổng thể tiến trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như vùng đất Nam Bộ.

Theo báo cáo của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, di chỉ "Vòng thành Đá Trắng" đã được nhân dân trong vùng như Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc biết đến từ lâu. Di chỉ được phát hiện vào năm 2002, nằm tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, khu vực di chỉ nằm trên một gò đất. Ước tính có tổng diện tích hơn 10ha, trong đó tường thành hình vuông có mỗi cạnh dài khoảng 200m bao phủ diện tích gần 4,2ha.

Năm 2002, di chỉ lần đầu tiên được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam khảo sát. Kết quả nghiên cứu xác định, đây là dấu vết của một di tích thành cổ đã bị phá hủy và gọi di tích này là Tường thành Đá Trắng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có nhiều giai đoạn cư trú trên không gian này, với nhiều khung niên đại khác nhau, từ vết tích thời tiền sử (cách đây khoảng 2.000-2.500 năm trước), đến thời Chân Lạp (khoảng thế kỷ VIII-X) và thời kỳ tòa thành bằng đá ong được xây dựng (thế kỷ XV-XVI).

Nhiều đoạn tường thành bằng đá tổ ong vẫn còn nguyên vẹn, chìm trong lớp đất cát. Ảnh: T.A. 

Tháng 7 và 9/2007, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) tiếp tục khảo sát di tích. Giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, Sở Văn hoá - Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tổ chức khai quật di chỉ giai đoạn 1 trong diện tích khoảng 700m2 và phát hiện nhiều di vật bằng đá, kim loại có niên đại từ thế kỷ 15-17. Ngoài ra còn tìm thấy bếp sinh hoạt, hố rác, tường thành xây bằng đá ong, vòng hào, công trình có cột cao và các loại hình di vật khác nhau như đồ đá, đồ kim loại, đồ đất nung, đồ gồm, sứ…

Cùng một vị trí được cho là khu bếp, khu sinh hoạt của những người sinh sống trong thành kèm với nhiều hiện vật. 

Các nhà khảo cổ học đã đào 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật diện tích gần 800m2, phát hiện nhiều loại hình di tích như bếp sinh hoạt, hố rác, tường thành xây bằng đá ong, vòng hào cùng các di vật gồm đục, dao, liềm, kìm… Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 14.965 mảnh vỡ chủ yếu là gốm Gò Sành (Champa); một số ít mảnh vật dụng bán sứ có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam thời Lê sơ (gốm Chu Đậu) và Thái Lan thời kỳ Sukhothai (gốm Sawankhalok). Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ phát hiện nhóm mảnh vỡ ở phần đáy của loại bình gốm mịn có đặc điểm tương tự với đồ gốm trong các di tích thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều mảnh vỡ đồ gốm sứ, cùng với cả vỏ một số loại ốc, hàu ... có trong khu vực. Ảnh: TA.

Theo các nhà khoa học, Vòng thành Đá Trắng là di chỉ thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa và đây cũng là nơi duy nhất phát hiện gốm văn hóa Chăm Pa có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam Bộ. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, Vòng Thành Đá Trắng là di chỉ thành cổ có giá trị độc đáo, là điểm nhấn nổi bật trong tổng thể tiến trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và rộng hơn nữa.

Những phát hiện khảo cổ học tại Vòng Thành Đá Trắng đã dần hé mở về một giai đoạn chưa được biết đến trong lịch sử vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam Bộ; và hứa hẹn cơ hội lớn để giải mã các vấn đề văn hóa - lịch sử trước thời kỳ khẩn hoang phương Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy di tích đã đang bị mai một, hư hại dưới tác động của các hoạt động thay đổi cơ cấu sử dụng đất phục vụ canh tác, xây dựng và phát triển kinh tế. Điều này đã đặt ra một thách thức to lớn đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quan trọng này.

Các nhà khoa học cho rằng, Vòng thành Đá Trắng hội tụ đủ tiêu chí để làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Với nhiều di tích phong phú; số lượng di vật có giá trị lớn trong nghiên cứu lịch sử di tích, lịch sử khu vực, các nhà khoa học đề nghị cần bảo vệ tại chỗ, toàn vẹn khu di tích, lập hồ sơ xếp hạng cấp Quốc gia, lên kế hoạch tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường cho tổng thể di tích là các yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với khu di tích này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sâu các lớp văn hóa, tác động lịch sử nhiều chiều đối với lịch sử ở khu vực trên các phương diện chủ nhân, niên đại, kinh tế, kỹ thuật, môi trường và chuyển biến kinh tế, xã hội… 

Thu Uyên

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 12/9/2023