Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng

Cập nhật: 19/09/2023
Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá đặc trưng của đồng bào Khmer. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer được tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày càng quy mô. Ảnh: Phương Uyên

Tạo sức sống cho Di sản văn hóa phi vật thể

Hiện nay, Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 5 di sản là của đồng bào Khmer là Lễ hội đua ghe Ngo, nghệ thuật trình diễn sân khấu Dù Kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom vong, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm.

Cùng với các loại hình nghệ thuật, lễ hội không thể thiếu trong văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng, với nhiều cái tên quen thuộc như Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo, Lễ hội Chrôi Rum Chếk (cúng phước biển Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), Lễ dâng hương liệt sĩ nhà sư yêu nước Achar Sơn Thal của dân tộc Khmer… Trong đó, nổi tiếng nhất là lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe ngo được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi kết thúc vụ mùa. Đây là dịp để người Khmer bày tỏ lòng biết ơn với vị thần Mặt Trăng vì đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi, no ấm cho người dân.

Ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng đã được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận là lễ hội có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam, là niềm tự hào của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Lễ hội cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là di sản văn hóa phi vật thể để vừa bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS, vừa tạo điều kiện cho đồng bào tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Trong niềm vui và tự hào của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, nghệ thuật múa rom vong của người Khmer là loại hình văn hóa – nghệ thuật được hình thành và gắn liền với lao động sản xuất của người Khmer từ xa xưa. Những loại hình nghệ thuật này không thể thiếu ở các buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Khmer.

Ngày nay, các tiết mục trình diễn nhạc ngũ âm, hay múa Rom vong… luôn tạo sự lôi cuốn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức, tham gia sinh hoạt trong các ngày lễ hội. Đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức văn nghệ của đồng bào Khmer mà còn là “chất keo” góp phần kết nối cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Em Thạch Diễm Kiều, ở xã Thạnh Tân (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) vui vẻ nói: “Em rất thích môn nghệ thuật múa dân tộc Khmer. Hồi nhỏ em đã có niềm đam mê vì thấy các anh chị trong xóm múa hát vào các dịp lễ hội rất vui. Đến khi lớn lên, bất cứ đi đám hay dự lễ hội tại chùa Khmer, em đều tham gia giao lưu văn nghệ múa hát rom vong để góp phần tạo không khí vui tươi hơn”.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, chùa là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào Khmer, có thể tìm thấy những đội kèn, trống, nhạc ngũ âm, đội ghe Ngo… ở hầu hết các ngôi chùa Khmer. Anh Sơn Thanh, thành viên đội ghe Ngo chùa Tum Núp, xã An Ninh (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Mỗi khi sắp đến lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe ngo là anh em trong đội đều luyện tập rất chăm chỉ. Không chỉ vậy, bà con trong xóm cũng luôn ủng hộ hết mình vì ai cũng hiểu rằng đội đua ghe Ngo là hình ảnh của phum sóc mình. Vì thế, người góp công, người góp của để tu sửa, trang trí cho ghe đua của mình lộng lẫy nhất có thể. Và nó đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer trong phum sóc từ rất lâu”.

Quyết tâm gìn giữ nghệ thuật dân tộc

Trong giới nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng, khi nhắc đến nghệ nhân ưu tú Danh Sol (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) ai cũng biết đến và đều gọi ông là bậc thầy dàn nhạc ngũ âm. Bởi ông không chỉ nổi tiếng là người chơi nhạc ngũ âm thuộc lớp lớn tuổi nhất, mà còn là người thầy dạy cách gõ dàn ngũ âm giỏi nhất của các vùng đồng bào Khmer. Hầu như những nghệ nhân chơi nhạc ngũ âm ở Sóc Trăng tuổi đời từ 60 trở xuống đa số là học trò của ông.

Mê nhạc, ham học hỏi, tìm hiểu nên khi mới 14 tuổi, Danh Sol đã trở thành người chơi nhạc ngũ âm trẻ nhất của đội nhạc ngũ âm chùa Chrôy Tưm Kandal (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên). Năm nay, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng nghệ nhân ưu tú Danh Sol vẫn rất quan tâm đến đội nhạc của chùa, khi đi phục vụ đình đám trong xóm, đôi tai cứ nghe các học trò chơi một số đoạn nhạc ngũ âm xong là ông biết ngay dụng cụ nhạc có vấn đề ở đâu và đánh sai chỗ nào. Có thể nói, nghệ nhân Danh Sol không chỉ nổi tiếng ở Sóc Trăng mà nhiều năm nay, ông đã được các chùa ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh… đến mời về chùa để dạy cho đội nhạc ngũ âm của chùa.

Nghệ nhân ưu tú Danh Sol tâm sự: “Được truyền dạy lại cho thế hệ trẻ chính là niềm vui, hạnh phúc nhất của đời tôi, chứng tỏ nhạc ngũ âm vẫn được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Theo thời gian, những người lớn tuổi trong đội nhạc cũng già và mất đi nhưng vẫn còn con cháu nối gót và đội nhạc của chùa vẫn còn hoạt động phục vụ phum sóc.

Những truyền nhân được nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương (Trưởng đoàn nghệ thuật sân khấu Rô Băm Bưng Chông) đào tạo đã tham gia diễn xuất phục vụ công chúng và nhận được rất nhiều sự tán thưởng cũng như sự đánh giá cao của các bậc cao niên. Ảnh: Phương Uyên

Ở Sóc Trăng, không chỉ có nghệ nhân ưu tú Danh Sol, mà còn có nhiều nghệ nhân dành cả đời cho nghệ thuật truyền thống như nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương, Trưởng đoàn nghệ thuật sân khấu Rô Băm Bưng Chông (xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), dù nghèo nhưng cả 3 đời quyết giữ đoàn Rô Băm của mình, để rồi mấy chục công đất phải bán dần; hay những nghệ sỹ “nông dân” của đoàn Dù Kê Chông Prek (huyện Trần Đề), Dù kê Ron Ron (xã Phú Tân, huyện Châu Thành)... ban ngày đi cấy, đi cày, nhưng ban đêm vẫn đều đặn diễn phục vụ bà con ở các phum sóc. Họ đã có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ những loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Sóc Trăng, nhưng đến nay vẫn chưa có được một danh hiệu, cũng như chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng của các cấp, các ngành. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần sớm có sự ghi nhận cho những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân và có những chế độ đãi ngộ xứng đáng, để khích lệ lớp nghệ nhân cũng như lớp trẻ có tinh thần gìn giữ văn hóa dân tộc.

Bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào Khmer

Thời gian qua, Sóc Trăng đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và khai thác một số lễ hội lớn như Lễ hội Chrôi Rum Chếk (cúng phước biển Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), Lễ hội cúng Trăng… Đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe ngo và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội như khán đài, bờ kè đường đua ghe ngo; khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội cúng phước biển Vĩnh Châu)…

Trao đổi với chúng tôi ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Tỉnh đang tập trung thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030. Đây là cách để các giá trị văn hóa của người Khmer góp phần xây dựng nền văn hóa chung của Việt Nam - một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của tất cả các dân tộc anh em.

“Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, dân gian cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự” - ông Liêm nói.

Ông Sơn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Bên cạnh đó cũng cần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao…trong vùng có đông đồng bào dân tộc nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia, để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer. Với lịch sử lâu đời, người Khmer ở Sóc Trăng đã kết tinh nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, tới văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội…

Phương Uyên

Nguồn: Báo Biên Phòng - baobienphong.vn - Đăng ngày 18/9/2023